Chuyện nghệ sĩ Việt bị chỉ trích vì vi phạm bản quyền trong các sản phẩm nghệ thuật đã không còn mới. Và cái giá phải trả cho hành vi này đã khiến nhiều nghệ sĩ khốn đốn. Vậy nhưng, vẫn có nhiều vụ xâm phạm bản quyền xảy ra. Nghệ sĩ xem thường hay thách thức dư luận?

Đình đám thời gian gần đây là vụ ca sĩ Noo Phước Thịnh bị Công ty Epic Elite - đơn vị sở hữu độc quyền ca khúc “The way” của nhạc sĩ Zack Hemsey kiện vì có hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm nghệ thuật. Theo đơn kiện, phân cảnh từ 6 phút 5 giây đến 7 phút 30 giây trong MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh đã sử dụng đoạn nhạc trong tác phẩm “The way” của Zack mà chưa xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác phẩm. Nội dung trong đơn kiện có đoạn: “Hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp tới sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như độc quyền cho phép người khác khai thác khả năng thương mại của tác phẩm. Vì vậy, theo điều 28 và 35 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi của ca sĩ Noo Phước Thịnh đã xâm phạm bản quyền tác giả/quyền liên quan đang được bảo hộ của nhạc sĩ Zack Hemsey”. Đồng thời, Công ty Epic Elite còn đòi Noo Phước Thịnh bồi thường thiệt hại lên đến 850 triệu đồng, gỡ bỏ sản phẩm công bố và công khai xin lỗi Zack.
Thật ra, vụ việc này đã bị phát hiện từ cuối năm 2017 và Noo Phước Thịnh đã phải cắt bỏ phân đoạn bị kiện trong MV và ra mắt trở lại, khó nhọc tìm lượt người xem vì clip cũ đã đạt đến mức 30 triệu lượt xem sau chưa đầy 1 tháng phát hành. Tuy nhiên, việc đơn vị sở hữu bản quyền mới khởi kiện cho thấy “chuyện nhỏ mà không nhỏ” và hậu quả của việc không thượng tôn pháp luật.
Mấy năm gần đây, thử điểm sơ sơ cũng có hàng chục vụ ca sĩ Việt vi phạm bản quyền bị tố giác, phanh phui. Gần nhất là ca khúc “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của ca sĩ Bảo Anh sử dụng phần hòa âm của nhà soạn nhạc Ivan Torrent mà không xin phép; trước đó là “Có em chờ” của Min, “Ghen” của Erik, “Anh thì không” của Mỹ Tâm, “Em của ngày hôm qua” của Sơn Tùng M-TP… cũng bị phát giác hành vi tương tự.
Đã qua rồi thời “đèn nhà ai nấy sáng”, thời công nghệ thông tin và internet bùng nổ, người hâm mộ và giới chuyên môn rất dễ dàng để phát hiện các bản nhạc vi phạm bản quyền bằng công nghệ. Google và Youtube cũng đang rất mạnh về công nghệ đối chiếu bảo vệ bản quyền hoặc báo cáo vi phạm. Chỉ cần một đoạn nhạc nhỏ “dùng chui” cũng bị phát hiện nhanh chóng.
Điều đáng nói, khi vụ việc được phanh phui, các ca sĩ đều “tiền trảm hậu tấu” kiểu đăng đàn xin lỗi chủ sở hữu, người hâm mộ và cho rằng mình không biết. Đã làm nghề thì phải biết lĩnh vực có liên quan đến nghề nghiệp của mình. Không thể nói không biết thì thôi, mà Noo Phước Thịnh bị kiện là một minh chứng đắt giá.
Cũng cần nói thêm, trong quá trình sản xuất các sản phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ thường "khoán trắng" cho ê-kíp từ hình ảnh, âm nhạc đến truyền thông. Vì vậy mà đôi khi họ cắt, dán vô tội vạ. Tiêu biểu là chuyện sử dụng một bức ảnh người thật trong phim “Dạ cổ hoài lang” khiến đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bị chỉ trích không ít. Rõ ràng, dù ai làm đi nữa thì nghệ sĩ là người chịu trách nhiệm cuối cùng, nên phải thận trọng kiểm duyệt.
Hơn hết, việc tôn trọng bản quyền chính là biểu hiện tính chuyên nghiệp trong lao động nghệ thuật, khẳng định đẳng cấp và đạo đức của nghệ sĩ.
DUY KHÔI