30/03/2025 - 07:52

“Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam” 

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ðó là nội dung trong bức điện mật lịch sử được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký gửi đi vào ngày 7-4-1975. Với tinh thần “thần tốc hơn nữa”, “táo bạo hơn nữa”, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên nóc Dinh Ðộc Lập, chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn được giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng…

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4-1975). Ảnh: TTXVN (nguồn: Qdnd.vn)

Ngay từ đầu tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương đã họp bàn nhiệm vụ quân sự mùa xuân 1975, thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược. Nhiệm vụ được đặt ra là giải phóng Tây Nguyên, phát triển giải phóng nhiều địa bàn khác, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch tiến công Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bắt đầu vào đêm ngày 3, rạng ngày 4-3 và kết thúc vào ngày 3-4-1975. Chiến dịch Tây Nguyên làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 ngụy, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển đến miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược, hoàn thành sứ mệnh mở đầu thắng lợi, tạo bước ngoặt quyết định.

Ngày 6-3-1975, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu Tây Nguyên, ta bắt đầu tiến công ở Trị - Thiên và Khu V. Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng. Sau đó, quân ta cắt đứt quốc lộ 1A, chiếm các cửa Thuận An, Tư Hiền, triệt đường rút chạy của địch về Ðà Nẵng. Ngày 24-3-1975, Quân khu V giải phóng Tam Kỳ; ngày 26-3-1975 giải phóng Quảng Ngãi, tiêu diệt Sư đoàn 2 ngụy. Ngày 26-3-1975, Huế giải phóng và 3 ngày sau đó, Ðà Nẵng được giải phóng. Sau gần 1 tháng chiến đấu ngày đêm, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của địch, giải phóng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ và đến ngày 3-4-1975, ta giải phóng toàn bộ đồng bằng miền Trung.

Trước khí thế tiến công dâng cao, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trong Lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam ngày 29-3, phát trên Thông tấn xã Giải phóng ngày 4-4-1975, có đoạn: “Ðồng bào các thành thị, các tổ chức thuộc lực lượng chính trị thứ ba, mọi người thật tâm yêu nước thương nòi, tất cả hãy đoàn kết lại, vùng lên đấu tranh kiên quyết đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, thành lập ở Sài Gòn một chính quyền thật sự mong muốn hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris…”. Lời kêu gọi có đoạn: “Anh em binh sĩ, sĩ quan, cảnh sát và nhân viên ngụy quyền Sài Gòn, hãy nhận rõ tình thế khẩn cấp hiện nay, nhận rõ chính sách nhân đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời, rời bỏ ngay hàng ngũ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, lập công trở về với nhân dân, với cách mạng…”.

Ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4.

Ngày 6-4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh. Tư lệnh là Ðại tướng Văn Tiến Dũng; Chính ủy là đồng chí Phạm Hùng; Phó Tư lệnh là Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Ðức Anh, Trung tướng Ðinh Ðức Thiện. Ngày 22-4, bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy.

Nguồn: Qdnd.vn

Ngày 7-4-1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức Ðiện mật đi, với nội dung:

“1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Ngày 9-4-1975, đồng chí Lê Duẩn ký Ðiện gửi các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn, yêu cầu chuẩn bị lực lượng, phối hợp các hướng để tấn công lớn và toàn diện vào Sài Gòn.

Từ ngày 9-4 đến 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh đã đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” tiến về Sài Gòn. Tướng Weyand - người chỉ huy quân Mỹ cuối cùng ở Nam Việt Nam, nói: “Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn!”. Thế nhưng trước khí thế tiến công như vũ bão của ta, ngày 21-4-1975, trải qua 13 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, toàn bộ thị xã Xuân Lộc được giải phóng.

Từ đầu tháng 4-1975, trong quá trình giải phóng hoàn toàn các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, Bộ Chính trị đã quyết định nhanh chóng giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ thuộc quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải Quân. Ðêm 13, rạng 14-4, ta giải phóng đảo Song Tử Tây và đêm 28 rạng 29-4-1975, giải phóng xong các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang…

19 giờ ngày 14-4-1975, trong bức Ðiện số 37TK của Bộ Chính trị gửi mặt trận, toàn văn như sau: “Ðồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.

Trên tất cả các hướng đều nổ súng tiến công dồn dập, thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu đã xác định. Với ưu thế áp đảo, quân ta vừa bao vây tiêu diệt, vừa làm tan rã bọn địch. Phối hợp với chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương cùng quần chúng cách mạng tại chỗ kịp thời nổi dậy, kêu gọi binh lính địch hạ vũ khí, đập tan các ổ đề kháng của chúng, giành quyền làm chủ. Hàng vạn quần chúng ngoại thành cũng nổi dậy, bao vây trụ sở địch. Biệt động thành phố đã dẫn đường cho bộ đội vượt qua các cầu, xa lộ, tiến thẳng vào trung tâm thành phố với khí thế thần tốc.

Trong tình thế nguy cấp, ngụy quyền Sài Gòn khẩn cấp đưa Dương Văn Minh lên làm tổng thống.

Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Ðộc lập, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu (nguồn: Qdnd.vn)

Ngày 28-4-1975, Thường vụ Trung ương Cục Miền Nam nhận định về việc Dương Văn Minh lên làm tổng thống ngụy quyền Sài Gòn rằng, đó là âm mưu của Mỹ, nhằm thương lượng với ta, hòng cứu vãn phần còn lại của chính quyền Sài Gòn. Nhưng thực chất, Dương Văn Minh không còn là đại diện cho lực lượng thứ ba, mà trở thành tay sai của Mỹ, lực lượng chống lại cách mạng. Nhận định cũng nêu quyết tâm đánh bại hoàn toàn Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 29-4-1975, Bộ Chính trị gửi Ðiện đến các đồng chí: Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, về việc tiếp tục tổng tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch.

Ngày 29 và 30-4-1975, phong trào nổi dậy của quần chúng vùng ven và nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn dâng cao. Như ở Nhà máy Khánh Hội, nhân dân nổi dậy lấy kho súng của địch trang bị cho lực lượng tự vệ phường, kêu gọi địch đầu hàng. Anh em tù chính trị ở nhà lao Chí Hòa nổi dậy phá ngục tự giải phóng…

Ðúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy, đánh dấu giờ phút lịch sử: giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn.

Ngày 30-4 và 1-5-1975, tổng tiến công đồng loạt, nổi dậy đồng loạt ở ÐBSCL. Ở Quân khu 8 và Quân khu 9, trong những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra thuận lợi thì phong trào chuẩn bị tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân cũng rất khẩn trương. Quân, dân ÐBSCL phối hợp kịp thời và đắc lực với chiến trường trọng điểm Sài Gòn, thực hiện xuất sắc chủ trương đón thời cơ của Trung ương Cục, là từng địa phương tự giải phóng với lực lượng của chính mình.

Theo cuốn “Những năm tháng quyết định” - hồi ức của Ðại tướng Hoàng Văn Thái, cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ÐBSCL diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, tựu trung là ba hình thức. Thứ nhất, tiến công của lực lượng quân sự kết hợp với nổi dậy quần chúng tại chỗ, đơn cử như Trà Vinh, Sóc Trăng, Vị Thanh… Thứ hai, khi lực lượng vũ trang tiến công áp sát các mục tiêu ở ngoại vi, quần chúng nắm thời cơ nổi dậy giành chính quyền, như ở Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vĩnh Long… Ở Cần Thơ, khi nghe tin địch ở Sài Gòn đầu hàng, Thành ủy lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các phường, mở khám giải phóng tù chính trị và thanh niên bị bắt. Quần chúng xuống đường chiếm đài phát thanh, gây áp lực, làm tan rã bọn địch ở sân bay Trà Nóc, trong khi bộ đội từ các hướng tiến công vào. Thứ ba, công tác binh vận đi trước một bước, kết hợp với quần chúng nổi dậy buộc địch đầu hàng trước khi lực lượng vũ trang tiến công địch, như trường hợp Bạc Liêu, Châu Ðốc.

PV

--------------------

Bài viết tổng hợp tư liệu từ:

“Biên niên sự kiện Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011;

“Ðại thắng mùa xuân 1975”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2001;

“Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1945-1975)”, NXB Giáo dục, 2006;

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 1954-1975”, NXB Quân đội nhân dân, 1980…

Chia sẻ bài viết