08/04/2025 - 08:38

Ðiều gì xảy ra với bộ não khi chúng ta nghỉ hưu? 

Ðối với nhiều người, nghỉ hưu có vẻ là  giai đoạn nghỉ ngơi xứng đáng sau một quá trình lao động vất vả. Nhưng các chuyên gia sức khỏe cảnh báo rằng nghỉ hưu có thể gây ra những thay đổi to lớn về sức khỏe não bộ, bao gồm nguy cơ bị suy giảm nhận thức và trầm cảm.

Học một kỹ năng mới giúp người nghỉ hưu duy trì sức khỏe trí não. Ảnh: Westend61

Suy giảm về khả năng nhận thức và tâm trạng

Giáo sư Ross Andel, chuyên gia về lão hóa nhận thức và nghỉ hưu tại Ðại học Bang Arizona (Mỹ), cho biết trước khi nghỉ hưu, mọi người thường duy trì một lịch trình bận rộn mỗi ngày, với việc thức dậy đến chỗ làm để giải quyết công việc và giao lưu với đồng nghiệp. Nhưng thói quen đó đột nhiên mất đi sau khi chúng ta nghỉ hưu. Mặc dù có ý kiến ​​cho rằng cơ thể và bộ não sẽ tự thích nghi khi sự bận rộn về trí óc “không còn cần thiết nữa”, nhưng ông Andel cho biết nghỉ hưu là lúc chúng ta nhận thấy sự suy giảm trong chức năng nhận thức. Ðó là phản ứng tự nhiên của bộ não trước tình trạng không hoạt động nhiều của trí óc khi nghỉ hưu.

Giáo sư Guglielmo Weber, chuyên gia kinh tế lượng tại Ðại học Padova (Ý), xác nhận có một số bằng chứng cho thấy nghỉ hưu có thể không tốt cho nhận thức. Vì khi nghỉ hưu, chúng ta không còn phải thử thách não bộ nhiều nữa. Ðơn cử, một phân tích trên hơn 8.000 người nghỉ hưu ở châu Âu cho thấy trí nhớ bằng lời nói (khả năng nhớ lại một tập hợp các từ sau một khoảng thời gian nhất định) thường suy giảm nhanh hơn sau khi nghỉ hưu, so với khi còn đi làm. Tương tự, một khảo sát khác ở Anh cho thấy trí nhớ bằng lời nói suy giảm mạnh sau khi nghỉ hưu, mặc dù các kỹ năng khác - như lý luận trừu tượng - không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa việc nghỉ hưu và sự khởi phát của chứng trầm cảm. Phó giáo sư Xi Chen, nhà nghiên cứu về lão hóa tại Ðại học Yale (Mỹ), cho biết việc đột nhiên chuyển từ cuộc sống bận rộn công việc sang cuộc sống thiếu sự gắn kết có thể làm trầm trọng thêm cảm giác bản thân mất giá trị, tâm trạng chán nản, buồn bã, các triệu chứng trầm cảm và chứng mất trí nhớ.

Hơn nữa, bản chất công việc và cách chúng ta nhìn nhận công việc đó cũng ảnh hưởng đến nguy cơ suy giảm sức khỏe não bộ. Ví dụ, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người làm việc ở các vị trí công việc cấp cao có thể suy giảm trí não nhanh hơn những người khác, mà nguyên nhân có thể là áp lực cao trong công việc của họ.

Giá trị của việc nghỉ hưu có kế hoạch

Các chuyên gia cho biết nghỉ hưu có thể là cơ hội để chúng ta phát triển thay vì để suy thoái sức khỏe não bộ và điều quan trọng là phải đặt nền tảng trước. Vì vậy, đừng chờ đến tuổi nghỉ hưu thì mới lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Theo Tiến sĩ Alison Moore tại Ðại học California, San Diego (Mỹ), lý tưởng nhất là nên thiết lập các thói quen có lợi cho quá trình lão hóa khỏe mạnh - cả về tinh thần lẫn thể chất - từ một vài năm trước khi nghỉ hưu. Ngay cả khi chưa bắt đầu những thói quen đó ngay lập tức, mọi người cũng nên lập kế hoạch trước. Theo bà Moore, việc trì hoãn những thói quen có lợi (như dành thời gian đi du lịch) cho đến sau khi nghỉ hưu sẽ chỉ khiến chúng ta khó thực hiện chúng hơn.

Vì mục tiêu là “chuyển từ một kiểu cuộc sống hằng ngày sang một kiểu khác”, nên mọi người cần cởi mở với những trải nghiệm mới trước khi nghỉ hưu. Chẳng hạn, mọi người nên thực hiện những việc sau đây:

+ Tìm lẽ sống mới. Nghiên cứu cho thấy những người có mục đích sống thường ít bị suy giảm nhận thức do tuổi tác hơn. Chẳng hạn, những người thường xuyên làm công việc thiện nguyện sau khi nghỉ hưu có tốc độ lão hóa sinh học chậm hơn và có thể ngăn chặn tình trạng suy giảm nhận thức bằng cách duy trì sự năng động và gắn kết xã hội.

+ Duy trì kết nối xã hội. Mọi người có xu hướng mất đi các mối quan hệ xã hội khi nghỉ hưu, sau đó là bị suy giảm nhận thức. Do đó, để ngăn ngừa chứng trầm cảm, suy giảm nhận thức và tử vong sớm do tình trạng cô lập xã hội, người về hưu nên thay thế hoạt động giao lưu với đồng nghiệp tại chỗ làm bằng việc giao lưu với những người quen khác, thông qua các buổi mặt trực tiếp hoặc trực tuyến. Các hoạt động tốt nhất là những hoạt động thách thức trí óc và thúc đẩy các cuộc thảo luận có ý nghĩa với người khác như tham gia câu lạc bộ đọc sách.

+ Thử những hoạt động mới, mang tính sáng tạo (học chơi nhạc cụ, nấu ăn). Ðiều này có thể mang lại cho mọi người cảm giác sống có mục đích và giúp não bộ luôn nhanh nhẹn. Việc thường xuyên vận động cũng rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ khi lớn tuổi, vì vậy, người nghỉ hưu cũng có thể cân nhắc thử một môn thể dục mới.

AN NHIÊN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết