Qua các kỳ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ (hội thi) đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong gìn giữ và phát triển các loại bánh quê. Hội thi không chỉ là sân chơi sôi nổi để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu bánh gia truyền, đặc sản quê nhà; mà còn là hành trình sáng tạo làm mới chiếc bánh quê hương...

Chị Ma Ri A (trái) giới thiệu món bánh Ha Chok đến Ban giám khảo hội thi. Ảnh: KIỀU MAI
Nơi hội tụ tinh hoa dân tộc
Ha Chok và Ha Karam tên gọi những chiếc bánh gây chú ý với du khách và Ban giám khảo tại hội thi năm nay. Chị Ma Ri A (An Giang), cho biết: “Trong tiếng Chăm “Ha” là bánh, còn “Karam” là kẹo ngọt. Ðây là bánh truyền thống của người Chăm Islam An Giang thường sử dụng trong các dịp lễ tết quan trọng với ý nghĩa chúc may mắn, bình an, hạnh phúc và mọi điều như ý, ngọt ngào như tên bánh”. Ðây là lần đầu chị Ma Ri A đến với hội thi. Các nguyên liệu làm bánh này đơn giản, thường dùng trong các loại bánh truyền thống của người Chăm: bột gạo, bột mì, nước cốt dừa, đường, trứng. Tùy theo tài khéo mà bánh được làm ra đa dạng. Ví như bánh Ha Chok được làm bởi chị Ka Ri Mah (An Giang) cũng có những nguyên liệu tương tự như thế nhưng bánh lại có hương sắc khác. Chị Ka Ri Mah, nói: “Bánh Ha Chok còn gọi là bánh cánh bèo, bởi hình dạng như những cánh bèo nổi trên mặt nước. Bánh có ý nghĩa là lời chúc no ấm, sum vầy và bình an, thường sử dụng các dịp quan trọng cưới hỏi, lễ Roya Haji hay Ramadan của người Chăm”. Theo chị Ka Ri Mah, bánh Ha Chok đã duy trì ở gia đình chị đến đời thứ tư và đây là lần đầu tiên chị mang loại bánh này đến với lễ hội.
Tương tự, với mong muốn giới thiệu bánh gia truyền của gia đình, chị Nguyễn Ánh Nguyệt (Bạc Liêu) mang đến hội thi những chiếc bánh khéo đặc trưng của người Hoa vùng ÐBSCL. Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, nói: “Những chiếc bánh này được bà ngoại của tôi truyền cho con cháu đến nay. Bánh không chỉ thể hiện tài khéo của người phụ nữ Nam Bộ mà còn mang ý nghĩa may mắn, đủ đầy, nghĩa tình khi thường dùng biếu tặng trong các dịp giỗ chạp, cưới hỏi”. Ðể bánh khéo ngon thì cách làm rất kỳ công, bột phải pha nhiều loại, nhồi cán nhiều lớp thì bánh mới xốp, giòn và thơm. Bởi là bánh khéo nên tạo hình của bánh cũng đa dạng, tùy theo sự khéo tay, sáng tạo của người làm mà bánh có hình hoa mai, con nhím, bán nguyệt… Mỗi chiếc bánh có nhưn khác nhau: dừa, đậu xanh, khóm…
Trong khi đó, chị Ðỗ Thị Mỹ Hoa (Ðồng Nai) lại mang đến những chiếc bánh được làm từ nguyên liệu đặc sản và hiếm của người Khmer, đó là bột mì dè. Bột mì dè được chiết xuất từ cây dè, loại cây phải trồng trên 30 năm mới có thể chiết xuất tinh bột. Bánh bột mì dè của chị Ðỗ Thị Mỹ Hoa độc đáo về nguyên liệu và bắt mắt về hình dáng. Bánh bột mì dè còn có tên gọi quen là bánh mần dè, thường đổ vào chén có nhưn đậu ở giữa. Bánh có màu trắng trong, thi thoảng có thêm sắc vàng nếu sử dụng đường thốt nốt để làm. Chị Ðỗ Thị Mỹ Hoa chia sẻ: “Ðó là cách làm của ông bà nội tôi hồi xưa, còn giờ tôi biến tấu để tạo sự bắt mắt và phong phú về hương vị. Bột được pha màu tự nhiên từ các lá, rau củ sau đó để vào khuôn hoa. Bánh khi chín có sự phân tầng lớp bột và đậu, mặt trên cùng là mặt bông hoa đủ màu sắc”. Bánh mì dè có vị đặc biệt, giòn tan khi ăn, mát thơm. Chị Ðỗ Thị Mỹ Hoa nói: “Nguyên liệu làm bánh này hiếm có nên lần này tôi mang bánh đến hội thi chủ yếu là giới thiệu hương sắc quê nhà để du khách biết thêm về bánh dân gian”.
Phát huy giá trị nông sản
Tại hội thi năm nay, nông sản quê nhà được các nghệ nhân phát huy hiệu quả khi kết hợp sáng tạo, làm nên nhiều món bánh độc đáo. Ðơn cử như những chiếc bánh chuối hấp truyền thống và hiện đại của chị Nguyễn Thị Bích Hằng (TP Hồ Chí Minh). Chị Nguyễn Thị Bích Hằng chia sẻ: “Với bánh chuối truyền thống tôi sử dụng nguyên liệu là chuối sứ, còn bánh chuối hiện đại thì sử dụng chuối già giống mới. Ðây là những nông sản sạch. Bánh chuối thông thường sẽ mộc mạc đơn giản, nay tôi có sự thay đổi khi cho thêm sắc màu từ thảo mộc tự nhiên, đồng thời tạo hình theo khuôn hoa mang đến cho những chiếc bánh hình dáng mới nhưng vẫn giữ hương vị truyền thống”.
Tương tự, chị Tăng Thị Cẩm Hằng (Vĩnh Long) sử dụng khoai lang, nông sản đặc trưng của quê nhà, để làm nên bánh ít trần khoai lang ngũ sắc. Chị Tăng Thị Cẩm Hằng nói: “Sử dụng khoai lang vừa nâng cao giá trị nông sản vừa là nguyên liệu để sáng tạo thêm nhiều món bánh độc đáo. Với khoai lang, tôi đã làm ra 4-5 loại bánh đặc trưng, trong đó có bánh ít trần khoai lang ngũ sắc”. Theo chia sẻ của Tăng Thị Cẩm Hằng, khoai lang giúp bánh có thêm độ dai và bùi, lại mềm mịn, thơm vị đặc trưng. Màu tự nhiên của lá cẩm, đậu biếc… tạo cho chiếc bánh bắt mắt và hấp dẫn hơn.
Nhiều nghệ nhân dự hội thi năm nay sử dụng nông sản, thảo mộc địa phương để làm nên những chiếc bánh ấn tượng, sáng tạo độc đáo, như bánh tét lá dừa mật hoa dừa, bánh ú bắp mật hoa dừa, bánh khoai môn, bánh ít trần chùm ngây, bánh ít trần ngải cứu, bánh dừa nhãn lồng… tạo nên nhiều hương vị thu hút du khách.
Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ năm nay có 116 nghệ nhân đến từ 14 tỉnh, thành tham gia, quy tụ hàng chục loại bánh ngon, đều là tinh túy gia truyền, đặc sản của mỗi vùng đất, cộng đồng dân tộc. Qua mỗi kỳ hội thi, nhiều nghệ nhân làm nên tên tuổi, nhiều chiếc bánh vốn thất truyền, ít người biết đến dần được gìn giữ và lan tỏa, phát huy được giá trị trong nhịp sống hiện đại.