Nhu cầu mua sắm online (trực tuyến) đang là xu hướng và đã trở thành thói quen của nhiều người. Ðể thích ứng xu thế này, các nhà bán lẻ đã khéo léo kết hợp giữa kinh doanh siêu thị truyền thống và thương mại điện tử (TMÐT) để tận dụng được sức mạnh thương hiệu, vừa đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng yêu thích công nghệ.

Saigon Co.op và Tập đoàn FPT ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bán lẻ.
Xu hướng
Ngày nay, nhiều người tiêu dùng đã từ bỏ thói quen đi chợ truyền thống để chuyển sang mua sắm trực tuyến. Sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, và khả năng so sánh giá cả dễ dàng là những lý do chính khiến người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, ở quận Cái Răng cho biết: “Do công việc bận rộn nên tôi chỉ đi mua sắm vào dịp cuối tuần và siêu thị là điểm lựa chọn của gia đình. Hầu hết các loại hàng hóa, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống sử dụng hằng ngày tôi mua sẵn sử dụng cho cả tuần. Từ khi sử dụng ứng dụng mua sắm online của các siêu thị việc mua sắm của tôi nhàn hạ hơn hẳn. Chỉ cần cài app trên chiếc điện thoại di động, ngồi ở nhà tôi cũng có thể dễ dàng chọn mua bất cứ loại hàng hóa nào mà siêu thị đang bán. Sự tiện lợi này giúp tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình”.
Thực tế, đa phần người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên các sàn TMÐT chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, điện tử… chứ chưa có thói quen đặt mua online đối với mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả. Do vậy, các siêu thị, trung tâm thương mại đang đẩy mạnh quảng bá, tăng doanh số bán hàng qua sàn TMÐT, nhất là với mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm thiết yếu. Theo thống kê từ các siêu thị, ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây… thông qua các ứng dụng đặt hàng trực tuyến.
Tốc độ tăng trưởng của TMÐT, kinh tế số Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMÐT hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024, quy mô thị trường TMÐT vượt mốc 25 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của TMÐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Năm 2025, thị trường ngành bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt quy mô 200 tỉ USD, với chi tiêu cho chuyển đổi số tăng trung bình 30% mỗi năm từ 2024 đến 2027.
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động TMÐT và phát triển kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển TMÐT, triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng TMÐT, kích cầu tiêu dùng trong nước. Qua đó thúc đẩy phát triển TMÐT cấp vùng, giúp tăng cường nhận thức của người dân với TMÐT và thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh” hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn và tăng doanh số bán hàng trong môi trường trực tuyến, cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán trên nhiều kênh. Việc mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến và mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm sẽ là những xu hướng dẫn đầu ngành bán lẻ hiện nay và những năm tiếp theo.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Hành trình 16 năm hoạt động tại Việt Nam, LOTTE Mart không ngừng cải tiến, ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm khách hàng. LOTTE Mart ứng dụng LOTTE Mart online phục vụ khách hàng trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Theo LOTTE Mart, tốc độ tăng trưởng hằng tháng của đơn hàng được đặt trên LOTTE Mart online là 10%.
Kênh mua sắm sở hữu nhiều tính năng nổi bật như ứng dụng cho phép tạo danh sách ghi nhớ để khách hàng phân loại, ghi chú sản phẩm theo nhu cầu và sắp xếp thời gian mua sắm phù hợp; thực hiện và giao hàng trong vòng 2 giờ sau khi hoàn thành đặt hàng hoặc theo khung giờ giao hàng được khách hàng lựa chọn trên ứng dụng. Theo đó, chỉ với ứng dụng trên điện thoại và một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng đã có thể lựa chọn các mặt hàng đa dạng tương tự như đi siêu thị. Không những vậy, khách hàng còn có thể áp dụng cùng lúc nhiều khuyến mãi cho một đơn hàng. Nâng cao tiện lợi cho khách hàng, từ ngày 2-1-2025, LOTTE Mart triển khai thêm phiếu thanh toán điện tử thay thế cho phiếu thanh toán giấy truyền thống. Ứng dụng này còn cho phép người dùng xem lại toàn bộ phiếu thanh toán của các giao dịch, bao gồm cả đơn hàng trực tiếp và trực tuyến trong vòng ba tháng gần nhất.
Tại mỗi điểm bán của Winmart+, khách hàng có thể dễ dàng tham gia nhóm zalo khách hàng bằng hình thức quét mã QR code. Tất cả các sản phẩm mới, chương trình khuyến mại theo tuần đều được cửa hàng đăng tải đầy đủ trong nhóm zalo để khách hàng tiện theo dõi và đặt mua hàng. Mỗi cửa hàng sẽ có nhân viên chuyên thực hiện việc nhận đơn và giao hàng cho khách.
Tập đoàn Centrail Retail (chủ quản chuỗi hệ thống siêu thị GO!, Big C) cũng đã mở thêm nhiều kênh bán hàng online bên cạnh siêu thị truyền thống qua ứng dụng GO! và Big C. Ðây là một app ứng dụng trên điện thoại giúp người dùng có thể đặt hàng, đi chợ online ngay tại nhà mà không cần đến siêu thị và có thể mua sắm từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Ðể kích cầu tiêu dùng qua các kênh mua sắm online, ngoài chương trình giảm giá, khuyến mại chung đối với các sản phẩm có mặt tại siêu thị, GO! còn áp dụng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho khách hàng đặt mua online với mức giảm sâu lên đến trên 40%; tặng mã giảm giá cho các đơn hàng mua online đối với một số nhóm sản phẩm, khách hàng còn có thể chọn khung giờ giao hàng nhất định và được miễn phí giao hàng với đơn hàng có trị giá từ 300.000 đồng...
Năm 2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) ghi nhận doanh số từ TMÐT đạt hơn 10% trong tổng doanh thu gần 30.000 tỉ đồng, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm 2023. Với chiến lược số hóa toàn diện, từ quản lý chuỗi cung ứng đến thanh toán không tiền mặt và TMÐT, mới đây Saigon Co.op và Tập đoàn FPT ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bán lẻ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành bán lẻ.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho rằng: “Hợp tác được kỳ vọng đưa đơn vị trở thành nhà phân phối tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại nhất tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chúng tôi tin rằng, sự kết hợp cùng năng lực công nghệ vượt trội của FPT, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác và cơ quan quản lý, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, hội nhập sâu rộng và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và thế giới”.
Thị trường bán lẻ ngày nay đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới, sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách hàng. Các chuyên gia nhận định rằng, sự kết hợp hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và TMÐT sẽ là hướng đi bền vững. Trong tương lai đó có thể là sự hội tụ khi siêu thị có app đặt hàng và TMÐT mở điểm trưng bày thực. Một số phân tích cũng chỉ ra rằng, nếu các siêu thị truyền thống không kịp thời chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng, họ sẽ dần mất dần thị phần trước sức mạnh bùng nổ của TMÐT. Ngược lại, TMÐT cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống hậu cần và dịch vụ khách hàng để bù đắp cho thiếu hụt của trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Cả hai bên cần học hỏi lẫn nhau, kết hợp ưu điểm của mô hình trực tuyến và ngoại tuyến để tạo ra một hệ sinh thái bán lẻ toàn diện, đáp ứng nhanh nhạy với xu hướng tiêu dùng mới.