Những năm qua, ngành tôm nước ta đã liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt cả về sản lượng, giá trị xuất khẩu, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành tôm còn đối mặt nhiều thách thức. Các bên có liên quan cần kịp thời vào cuộc để khắc phục các hạn chế và thúc đẩy ngành tôm phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Tôm thẻ giống được trưng bày, giới thiệu tại VietShrimp 2025 tại TP Cần Thơ.
Yêu cầu xanh hóa chuỗi sản xuất
Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch đạt hơn 10 tỉ USD. Trong đó, ngành tôm có vai trò quan trọng cho xuất khẩu thủy sản suốt 2 thập kỷ qua và góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ khá lớn. Những năm qua, con tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 và giúp mang về kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỉ USD, tăng mạnh so với năm trước. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, sự tăng trưởng về năng suất và kim ngạch xuất khẩu tôm có công rất lớn từ việc ứng dụng ngày một rộng rãi trình độ khoa học kỹ thuật và các mô hình công nghệ cao trong nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, sự nở rộ của các mô hình này đã vô hình trung tạo áp lực lên môi trường sinh sống của con tôm, khiến chất lượng vùng nuôi cũng dần đi xuống. Chính vì thế, trong suốt những năm qua, cùng với việc nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi, thì tìm kiếm những giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực nuôi tôm một cách hiệu quả và bền vững vẫn luôn được ngành Nông nghiệp và các địa phương tìm kiếm, đặc biệt khi yêu cầu của thị trường thế giới ngày một khắt khe hơn, đòi hỏi yếu tố thân thiện môi trường cao hơn.
Chuyển đổi xanh trong chuỗi giá trị ngành tôm không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, cũng như các quy định, luật lệ và tiêu chuẩn về môi trường của cả ở trong nước và quốc tế. Việc nuôi trồng, chế biến tôm và các loại thủy sản theo hướng tăng trưởng xanh và giảm phát thải cũng giúp doanh nghiệp và người nuôi đảm bảo tiêu chí môi trường phù hợp các chứng nhận quốc tế, tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy, các mô hình thực hiện xanh hóa chuỗi nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm với sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan đã và đang khẳng định hiệu quả và trở thành một lợi thế lớn của ngành tôm Việt Nam. Bằng chứng là cả nước có hơn 750.000ha nuôi tôm thì đã có trên 200.000ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp như tôm - rừng, tôm - lúa… Hiện có hàng chục nghìn héc-ta nuôi tôm theo hướng xanh được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã tỏ rõ những ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính.
Cần liên kết, thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy ngành tôm phát triển xanh và bền vững, Hội Thủy sản Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam vừa phối hợp cùng Cục Thủy sản và Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2025 (VietShrimp 2025) tại TP Cần Thơ. Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các thành tựu trong phát triển ngành tôm, các thiết bị, công nghệ, con giống... phục vụ nuôi tôm, VietShrimp 2025 còn diễn ra nhiều hội thảo, với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp.
Tại hội thảo "Phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam", nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm nước ta cần kịp thời vào cuộc để xanh hóa chuỗi sản xuất, chuẩn hóa lại sản xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Quan tâm mở rộng mô hình nuôi trồng bền vững gắn với phát triển chế biến và xuất khẩu. Chú trọng lựa chọn mô hình, công nghệ nuôi phù hợp từng vùng gắn với kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn, nước cho ao nuôi và kiểm soát chất thải, mầm bệnh và các tác nhân gây hại. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi để tạo ra chuỗi cung ứng đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: "Ðể tối ưu hóa đầu vào, đầu ra và tăng trưởng theo hướng xanh, ngành tôm cần áp dụng công nghệ 4.0 trong nuôi trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quan tâm chuyển đổi giống tôm và quản lý dịch bệnh một cách phù hợp. Phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn (tái sử dụng phụ phẩm, xây dựng khu công nghiệp xanh) nhằm tận dụng tốt các nguồn phụ phẩm từ tôm. Ðẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi tôm bền vững như nuôi tôm sinh thái, nuôi tuần hoàn không xả thải, nuôi tôm rừng, tôm lúa và chú trọng đến các chứng nhận bền vững, cũng như có các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu". Cũng theo bà Hằng, ngành tôm nước ta cần chú ý chọn lọc và cải thiện di truyền tôm nội địa để giảm phụ thuộc vào giống tôm nhập khẩu. Áp dụng mô hình nuôi bền vững, ít thâm canh hơn, kết hợp với các giải pháp sinh học để duy trì chất lượng nước và sức khỏe tôm. Tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng, chuyển đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường, linh hoạt hơn trong chiến lược sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu thay vì chỉ tập trung xuất khẩu tôm nguyên liệu.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong phát triển nuôi tôm theo hướng xanh, TS. Lê Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận tôm giống - nuôi trồng - công nghệ sinh học, Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, cho biết: "Công ty có trên 2.000 ao nuôi tôm. Ðể ứng phó tốt các loại dịch bệnh, cùng các điều kiện sản xuất bất lợi do biến đổi khí hậu, Công ty đã thực hiện quy trình nuôi tôm sinh học Minh Phú BIO do Công ty phát triển. Chú ý áp dụng các biện pháp sinh học và chế phẩm sinh học, không sử dụng các loại hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường". Thời gian qua, Minh Phú đã triển khai 3 giải pháp giúp phòng tránh hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm gồm: giải pháp y tế dự phòng (không chờ mầm bệnh đến mới tìm cách đối phó mà mặc định mầm bệnh đó đã xuất hiện và tìm mọi giải pháp để bệnh đó không phát triển), nuôi tôm vừa sức tải của ao và giải pháp tăng cường hệ miễn dịch.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, để vượt qua các thách thức và yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nông nghiệp, sử dụng các hoạt chất được phép. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm (như HACCP, Global GAP…). Quan tâm cập nhật, nắm kỹ các quy định của các nước nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm…