Trưng bày chuyên đề và triển lãm ảnh “Văn học, nghệ thuật (VHNT) Cần Thơ - Chặng đường 50 năm (1975-2025)”, do Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện, đã phác họa hành trình nửa thế kỷ văn nghệ sĩ Cần Thơ đồng hành cùng sự phát triển của xứ sở “gạo trắng nước trong”. Thông qua các tác phẩm VHNT, hình ảnh đất và người Cần Thơ được lan tỏa.
Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của TP Cần Thơ chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Tự hào VHNT Cần Thơ
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, hòa bình về trên quê hương. Với tâm thế náo nức, phấn khởi, các văn nghệ sĩ Cần Thơ tiếp tục nỗ lực cống hiến, dâng cho đời nhiều tác phẩm giá trị.

Các đại biểu xem triển lãm ảnh.
Tại cuộc trưng bày, người xem được ngắm nhìn cây đờn kìm của soạn giả Điêu Huyền, người con tài hoa của quê hương Nhơn Nghĩa, Cần Thơ. Trưởng thành từ cuộc kháng chiến vệ quốc, sau năm 1975, soạn giả Điêu Huyền đã sáng tác nhiều kịch bản cải lương rất hay, nay trở thành kinh điển. Trong số đó, phải kể đến các vở “Tiếng hò sông Hậu”, “Khách sạn Hào Hoa”, “Gió bụi biên thùy”…
Người xem cũng xúc động trước chân dung cố họa sĩ Tô Dự cùng những bức vẽ phác họa của ông: “Anh lên biên phòng, em bám ruộng đồng”, “Về trại giam sau trận đòn thẩm vấn”… Người con của quê hương Thường Thạnh, Cái Răng là họa sĩ gạo cội của mỹ thuật Việt Nam, gắn bó với Hội Văn nghệ Cần Thơ từ những ngày đầu thành lập. Gia tài họa sĩ để lại cho Cần Thơ rất lớn, đó là những bức tranh vẽ lại các sự kiện lịch sử ở Cần Thơ như Cần Thơ giải phóng, Cách mạng Tháng Tám ở Cần Thơ, cảnh giặc xử bắn hai đồng chí Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh, cảnh thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ… Với tài nghệ của mình, họa sĩ Tô Dự là người kể sử bằng tranh, để thế hệ hôm nay hiểu hơn về quê hương, xứ sở.
Đến từ sớm để xem các tác phẩm của mình được trưng bày tại Bảo tàng thành phố, nhà điêu khắc Trương Công Thành bồi hồi trước từng hiện vật. Đó là những bức phác thảo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phác thảo Tượng đài đồng chí Châu Văn Liêm…
Sau năm 1975, mỗi huyện của tỉnh Cần Thơ đều có đội chiếu phim lưu động vừa chiếu phim phục vụ người dân, vừa làm công tác tuyên truyền. Một số hiện vật như radio, cassette, dàn âm thanh… được Đội Chiếu bóng lưu động tỉnh Cần Thơ sử dụng thông tin tuyên truyền, chiếu phim phục vụ đồng bào vùng nông thôn những năm 1980, 1990 đã gợi lại ký ức của nhiều người. Hay ở triển lãm ảnh, công chúng được xem hình ảnh chụp “Thuyền văn hóa” Phụng Hiệp, Ô Môn, Thốt Nốt. Đây là mô hình văn hóa sáng tạo, nổi tiếng khắp cả nước những năm 1980-1990 của Cần Thơ. Trên sân khấu nổi là những chiếc tàu, các văn nghệ sĩ đi sâu vào sông, rạch, mang lời ca, tiếng hát, thông điệp tuyên truyền, phục vụ nhân dân.
Từ văn công thời kháng chiến chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất, các nghệ sĩ đất Tây Đô đã không ngừng cống hiến, nỗ lực phục vụ nhân dân, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương. Đó là những vở diễn vang danh một thuở như “Loài hoa không tên”, “Huyền thoại một tình yêu”… Hơn 20 năm sau ngày thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Đoàn Cải lương Tây Đô nối tiếp truyền thống cha anh, tiếp tục sứ mệnh “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Thành tích từ các vở “Bông mận trắng”, “Mẹ của chúng con”, “Cánh buồm ngược gió”… và mới đây nhất là “Chất ngọc Cầm Thi Giang” cho thấy điều đó. Nhiều hiện vật liên quan đến các vở này được giới thiệu tại trưng bày.
NSƯT Kiều Mỹ Dung, người gắn bó cả đời với cải lương cùng chồng là nghệ sĩ, họa sĩ Trần Thiện, xem kỹ từng hình ảnh, hiện vật. NSƯT Kiều Mỹ Dung xúc động: “Trưng bày này mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, nhất là những hình ảnh, hiện vật về cải lương cách nay gần 50 năm. Tôi cũng bồi hồi khi xem lại hình ảnh, hiện vật liên quan đến Đoàn Cải lương Tây Đô - “mái nhà thân thương” của vợ chồng tôi”.

Dịp này, vợ chồng NSƯT Kiều Mỹ và nghệ sĩ Trần Thiện trao hiện vật về cuộc đời theo nghiệp sân khấu cải lương tặng Bảo tàng TP Cần Thơ.
Nửa thế kỷ - một chặng đường
Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ, sau khi xem thật kỹ, thật lâu trưng bày chuyên đề và triển lãm ảnh, đã nói rằng: “Ý nghĩa quá!”. Ông Dũ chia sẻ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật được giới thiệu phong phú, khái quát toàn diện chặng đường nửa thế kỷ VHNT Cần Thơ - một hành trình đầy dấu ấn tự hào.
Tiếp nối truyền thống của các văn nghệ sĩ Cần Thơ trưởng thành từ đạn bom khói lửa chiến tranh, sau năm 1975, VHNT ở Cần Thơ rất phát triển. Tỉnh Hậu Giang khi ấy đón nhận nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ là những người đã đi tập kết trở về quê hương; cùng các văn nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Trung, chọn đất lành Tây Đô lập nghiệp, sáng tác; và đặc biệt là các văn nghệ sĩ trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến.
Ngày 2-6-1976, Hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang được thành lập, là tổ chức hoạt động VHNT được thành lập sớm nhất trong các tỉnh ĐBSCL sau ngày đất nước thống nhất. Hội do đồng chí Nguyễn Trung Vinh làm chủ tịch, các phó chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Bá và họa sĩ Tô Dự. Hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang hoạt động rất mạnh, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, mở nhiều trại sáng tác do các văn nghệ sĩ nổi tiếng về truyền đạt. Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang ra định kỳ hằng tháng, tiến tới ra mắt Báo Văn nghệ Hậu Giang hằng tuần, phát hành rộng rãi, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước.
Năm 1992, sau khi chia tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, Hội đổi tên thành Hội Văn nghệ tỉnh Cần Thơ, tiến hành củng cố hoạt động. Thời điểm năm 1993, 5 phân hội chuyên ngành tổ chức đại hội là Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu và phát triển thêm Phân hội Kiến trúc. Số lượng hội viên tăng lên 157 (có 40 hội viên chuyên ngành Trung ương).
Đầu năm 2004, sau khi TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương được thành lập, Hội đổi tên thành Hội VHNT TP Cần Thơ và ngày 2-5-2007, đổi tên thành Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ. Hơn 20 năm qua, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, các văn nghệ sĩ Cần Thơ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm VHNT giá trị. Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ trở thành mái nhà chung, quy tụ và phát triển hội viên, hỗ trợ và nâng cao chất lượng sáng tác cũng như góp phần quảng bá tác phẩm VHNT.
Hiện, Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ có trên 650 hội viên ở 9 hội chuyên ngành trực thuộc: Hội Nhà Văn, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư, Hội Điện ảnh - Truyền hình.
***
Buổi khai mạc trưng bày chuyên đề kết thúc bằng tiết mục đờn ca tài tử của các nghệ nhân Cần Thơ. Có Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tùng, Ái Hằng, có những tay đờn trẻ và có những khán giả vai mang khăn quàng đỏ thắm. Hình ảnh đẹp ấy cho thấy sự tiếp nối của hành trình VHNT Cần Thơ…
Hiện vật về báo chí Cần Thơ

Báo Cần Thơ Xuân Bính Thìn 1976.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu 2 hiện vật quý về báo chí Cần Thơ. Đó là tờ Báo Cần Thơ Xuân Bính Thìn 1976 - tờ báo xuân Cần Thơ đầu tiên sau ngày đất nước hòa bình, có sự cộng tác của nhiều nhà báo khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh Cần Thơ. Trang bìa được vẽ minh họa bởi họa sĩ Diệp Minh Châu với hình ảnh 2 người phụ nữ, người vai vắt khăn rằn, người đầu đội khăn vấn, tiêu biểu cho phụ nữ 2 miền Nam - Bắc, ôm nhau thắm thiết, trên nền hoa mai, hoa đào, mang ý nghĩa đất nước thống nhất, “Bắc - Nam sum họp một nhà”. Nội dung tờ báo rất phong phú, hấp dẫn.
Hiện vật còn lại là Giấy Chứng nhận nhà báo Nguyễn Văn Thường, Thư ký Hội Nhà báo Hậu Giang (1979-1992) đã hoàn thành khóa tập huấn của Trường Báo chí Quốc tế tại Budapest, Hungary, từ ngày 9-3-1988 đến ngày 22-4-1988.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH