04/05/2012 - 22:40

Vào tâm bão chính trị mới

Sau cuộc đối thoại chiến lược đầy căng thẳng tại Trung Quốc, theo hãng tin Anh Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay (5-5) lại bắt đầu bay đến “vùng tâm bão chính trị mới” ở Bangladesh. Ngoại trưởng Clinton là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ sang thăm quốc gia Nam Á này trong vòng 12 năm qua. Hồi năm 2000, phu quân của bà, Tổng thống Bill Clinton cũng có chuyến thăm bất ngờ tới Bangladesh.

Mục tiêu của bà Clinton là thúc giục Bangladesh ký kết thỏa thuận thành lập diễn đàn hợp tác đầu tư-thương mại và hướng tới xây dựng hiệp ước đối tác chiến lược giữa hai nước. Bản thân Dhaka cũng mong muốn Washington hỗ trợ Bangladesh vượt qua khó khăn kinh tế và xóa đói giảm nghèo thông qua tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ của Mỹ. Hiện tại, thị trường Mỹ chiếm tới 40% lượng hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh và nước này hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục nới lỏng hàng rào thuế dệt may. Đầu năm nay, Washington đã tuyên bố ý định sẵn sàng viện trợ 1 tỉ USD cho Bangladesh trong 5 năm tới.

Để đổi lại sự trợ giúp của Mỹ trong vấn đề kinh tế như vậy, bà Clinton cho rằng Bangladesh cần xem xét mở rộng quan hệ mang tính chiến lược với Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và an ninh. Điều này có thể sớm trở thành hiện thực khi hai nước đã có cuộc đối thoại an ninh chưa từng có ngày 19-4 vừa qua. Theo tờ Indrus của Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và cả Myanmar đều có mối quan hệ hợp tác năng động với Trung Quốc, trong khi Mỹ muốn lôi kéo các nước này vào trục quan hệ chiến lược cấp khu vực giữa Mỹ và Ấn Độ.

Delwar Hossain, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Dhaka cho rằng việc bà Clinton thăm Bangladesh trong chuyến công du tới Bắc Kinh và sắp tới là Ấn Độ đã chứng tỏ tầm quan trọng của Dhaka trong chiến lược châu Á của Mỹ. Ông cho rằng đây là một “thành công ngoại giao lớn” của chính quyền Dhaka.

Thật ra, bà Clinton đã có kế hoạch thăm Bangladesh hồi đầu năm 2012 nhưng đã hủy bỏ vì vụ giáo sư kinh tế từng đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus bị chính quyền nước này “phế truất” khỏi Ngân hàng Grameen chuyên cho vay các khoản tín dụng nhỏ giúp người nghèo. Chính phủ Bangladesh viện cớ rằng ông Yunus, 70 tuổi, đã quá tuổi theo luật định để nắm giữ chức giám đốc điều hành ngân hàng này, trong khi giới phân tích tin rằng nữ Thủ tướng Sheikh Hasina muốn loại bỏ một gương mặt chính trị tiềm tàng trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2013 tại Bangladesh. Ông Yunus là bạn thân hữu của gia đình Clinton mà cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng hy vọng được gặp lại.

Ngoài chuyện của ông Yunus, dư luận trong và ngoài Bangladesh râm ran rằng chính quyền Hasina đang tìm cách triệt hạ thủ lĩnh phe đối lập Begum Khaleda Zia sau khi đảng Dân tộc của bà Zia phát động hai cuộc tổng đình công kéo dài 5 ngày dẫn đến một cuộc xung đột đẫm máu tồi tệ nhất trong vòng 3 năm qua diễn ra cách đây hơn 2 tuần. Ngoài ra, chính quyền Hasina còn bị cáo buộc bắt cóc và hiện không rõ tung tích, số phận của cựu nghị sĩ Ilyas Ali cũng thuộc phe đối lập.

Bộ Ngoại giao Bangladesh và Đại sứ quán Mỹ tại Dhaka từ chối cho biết chi tiết chương trình nghị sự trong chuyến thăm của bà Clinton. Điều đó cũng dễ hiểu bởi dù phe đối lập ở Bangladesh nói họ không làm bất cứ điều gì phương hại đến chuyến đi của bà Clinton, nhưng chính quyền Bangladesh vẫn lo “sóng gió” có thể xảy ra.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, Indrus)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, Indrus)

Chia sẻ bài viết