03/04/2010 - 09:55

Vấn đề hạt nhân Iran và vị thế của Trung Quốc

Nhà đàm phán Iran Saeed Jalili (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ảnh: AP 

Ngày 2-4, trong chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ hai trong 2 năm qua, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili đã có cuộc thương thảo với Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của nước chủ nhà. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi các quan chức Mỹ tuyên bố hôm 1-4 rằng những nỗ lực của Washington nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc cho các biện pháp mới chống Terhan đã có sự tiến triển. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Trung Quốc đã chấp nhận trở lại bàn đàm phán về Iran sau vài tháng trì hoãn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng thông báo Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tới Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì ngày 12-13/4 tới.

Báo Wall Street Journal ngày 2-4 đặt vấn đề là không rõ Trung Quốc đang muốn chuyển đi thông điệp gì, khi ông Tần Cương vẫn lặp lại quan điểm của nước này là “sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp hòa bình về vấn đề hạt nhân Iran”. Trong khi trước đó, Trung Quốc chấp nhận tham gia hội nghị qua điện thoại với 4 thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức (gọi là nhóm P5+1) để thảo luận nghị quyết trừng phạt mới chống Iran.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường, còn việc các quan chức Mỹ “thổi phồng” về “những tiến triển” khi Bắc Kinh nhất trí tham gia các cuộc đàm phán về biện pháp trừng phạt mới của LHQ đối với Iran là vì lý do chính trị. Tổng thống Barack Obama cần “đánh bóng lại hình ảnh” ở trong nước, khi bị chỉ trích là quá “mềm mỏng” với Iran. Các nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây cũng cho rằng Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chỉ là động thái tạo đà cho quá trình thương lượng lâu dài hơn, chứ thảo luận chi tiết về nội dung nghị quyết trừng phạt vẫn chưa được bắt đầu. Họ không thấy sự cam kết chắc chắn nào từ Trung Quốc. Và thực ra, để hội nghị qua điện thoại của P5+1 diễn ra với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, Mỹ đã phải chấp nhận bỏ một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, trong đó có việc ngăn Iran tiếp cận các dịch vụ ngân hàng quốc tế và các thị trường vốn, cũng như hạn chế các tuyến vận tải biển và hàng không nội địa Iran.

Một nhà ngoại giao Iran dự báo Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ một nghị quyết trừng phạt hẹp, để bảo vệ quan hệ kinh tế của nước này với cả Iran và Mỹ (Iran là nhà cung cấp khoảng 8% nhu cầu dầu nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc). Vì vậy, theo nhà ngoại giao này, Iran có thể bị trừng phạt theo “quan điểm của Trung Quốc”.

N. MINH (Theo WSJ, AP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết