HẠNH NGUYÊN (Theo Politico)
Theo các nguồn thạo tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden “sẵn sàng” loại bỏ rào cản lớn để Ukraine có được tư cách thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sau cuộc chiến tại nước này.
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg (trái) trao đổi với Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Theo hai quan chức Mỹ giấu tên, ông Biden sẽ hoan nghênh việc gỡ bỏ Kế hoạch hành động thành viên (MAP) đối với lộ trình gia nhập liên minh quân sự của Ukraine. MAP yêu cầu các quốc gia ứng cử viên thực hiện những cải cách về dân chủ và quân sự, với sự tư vấn và hỗ trợ của NATO. Bằng cách loại bỏ rào cản này, Ukraine chỉ cần tiến hành một số điều chỉnh ủng hộ dân chủ và bất cứ thời điểm nào sau đó các thành viên NATO cũng có thể nhất trí chào đón Kiev gia nhập tổ chức.
Tổng Thư ký NATO để ngỏ khả năng kéo dài nhiệm kỳ
Tổng Thư ký Stoltenberg ngày 15-6 đã để ngỏ khả năng kéo dài nhiệm kỳ, trong bối cảnh các quan chức cấp cao từ các nước thành viên công khai tán thành ý tưởng này - bao gồm cả một trong những người tiềm năng kế nhiệm ông.
Nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đã kéo dài 3 lần và ông sẽ mãn nhiệm vào tháng 9 tới, sau 9 năm làm Tổng Thư ký NATO. Tuy nhiên, NATO đang gặp nhiều khó khăn để tìm ra người kế nhiệm, có thể nhận được sự đồng thuận cần thiết của 31 thành viên, trải dài từ Mỹ qua châu Âu đến Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã âm thầm đề xuất ý tưởng trên và thảo luận với Tổng thống Biden tại Washington hôm 13-6. Tuyên bố chính thức về bỏ qua MAP nhiều khả năng sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva trong tháng tới. Gần đây, Tổng Thư ký Stoltenberg nói với tờ USA Today rằng ông nhận thấy “vô nghĩa” khi tổ chức hội nghị mà không phát một “tín hiệu” rõ ràng rằng Ukraine rồi cũng sẽ trở thành thành viên NATO.
Ivo Daalder, Ðại sứ Mỹ tại NATO giai đoạn 2009-2013, mô tả ý tưởng loại bỏ MAP là bước đi “đáng kể” bởi điều đó “đồng nghĩa bạn có thể bước vào tiến trình đạt tư cách thành viên nhanh hơn nhiều”. Trái lại, tiến trình khi kích hoạt MAP có thể mất rất nhiều năm. Ðơn cử như Bắc Macedonia bắt tay thực hiện yêu cầu MAP năm 1990 khi nước này có tên chính thức là Cộng hòa Macedonia, nhưng mãi đến năm 2020 mới chính thức bước chân vào NATO.
Về phần mình, Ukraine nuôi tham vọng gia nhập NATO từ năm 2008 và được trao quy chế ứng cử viên hồi năm ngoái, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Nga.
Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO, được phép gia nhập liên minh hồi tháng 4 vừa rồi mà không phải thực hiện yêu cầu MAP. Thụy Ðiển cũng sẽ được đối xử tương tự nhưng vẫn đang chờ sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary để tham gia tổ chức.
Ukraine muốn sớm vào NATO
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng đất nước của ông sẽ nhận được những cam kết an ninh và cả lộ trình trở thành thành viên NATO nhanh chóng, rõ ràng tại hội nghị sắp tới. Kế hoạch loại bỏ MAP chưa đáp ứng được nguyện vọng trên nhưng sẽ cải thiện cơ hội kết nạp Kiev thời hậu chiến.
Ðại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith hồi đầu tháng thừa nhận các đồng minh không thể mời Ukraine gia nhập tổ chức vào lúc này khi quốc gia Ðông Âu đang kẹt trong cuộc xung đột với Nga. Lý do hầu hết các nước tham gia NATO là vì sự bảo vệ theo cơ chế “phòng thủ tập thể” được quy định trong Ðiều 5 Hiến chương của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Ðiều khoản này quy định rằng “bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh” và tất cả thành viên sẽ hỗ trợ nước bị tấn công ngay lập tức, có thể bằng vũ lực. Do vậy, chào đón Ukraine vào tổ chức thời điểm này chắc chắn sẽ đẩy NATO vào một cuộc chiến trực tiếp với Nga.