Chuẩn bị công tác tuyển sinh 2025, các trường đại học (ĐH) trên địa bàn TP Cần Thơ mở nhiều ngành/chuyên ngành đào tạo mới liên quan tới lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tòa nhà công nghệ cao, Trường ĐH Cần Thơ.
Ghi nhận từ dự kiến tuyển sinh năm 2025 ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố, chỉ tiêu tăng và các ngành học mới liên quan lĩnh vực sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ (nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI)... sẽ được mở thêm, nhằm cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ yêu cầu về chuyển đổi số.
Đơn cử tại Trường ĐH Cần Thơ, trong kỳ họp Hội đồng trường vừa qua, các thành viên thống nhất một số kế hoạch hoạt động, trong đó có công tác đào tạo, tuyển sinh. Năm 2025, trường dự kiến tuyển 14.800 sinh viên bậc ĐH (có 10.100 sinh viên ĐH chính quy); với 117 mã ngành, trong đó sẽ mở mới 7 ngành/chuyên ngành gồm: Tâm lý học giáo dục, Thương mại điện tử, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Trí tuệ nhân tạo, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chương trình đào tạo chất lượng cao), Thú y (chương trình đào tạo chất lượng cao).

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH FPT Phân hiệu Cần Thơ. Ảnh: CTV
Việc mở các ngành mới này của Trường ĐH Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và trường đảm bảo đủ các điều kiện, nguồn lực đáp ứng yêu cầu đào tạo các chương trình này. Chẳng hạn, chương trình Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chuyên sâu về hạ tầng kỹ thuật số, an ninh mạng và các công nghệ mới như IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), 5G, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Còn chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho một lĩnh vực đang là nền tảng của thời đại công nghệ 4.0, với ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và quản lý đô thị thông minh. Cả 2 chương trình hướng đến đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ cao trong nước, đồng thời giúp sinh viên hội nhập thị trường lao động quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu nguồn lực về lĩnh vực Công nghệ thông tin của doanh nghiệp rất cao. Lĩnh vực này luôn thu hút nguồn nhân lực rất lớn tại doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các dự án nước ngoài. Nhà trường luôn lắng nghe các chuyên gia, doanh nhân góp ý để điều chỉnh chương trình đào tạo thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, những ngành đào tạo thuộc 10 lĩnh vực của trường thuộc tốp 10 nhóm nghề nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, được Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong các nước thành viên. Định hướng sắp tới, nhà trường tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chú trọng mở các ngành đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ chuyển đổi số. Hiện nay, trong tổng số 23 ngành, chuyên ngành bậc ĐH, trường có 2 chuyên ngành mới trình độ ĐH: Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn, Công nghệ kỹ thuật Robot và AI.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, chương trình đào tạo chuyên ngành mới được thiết kế theo hướng tiếp cận các trường danh tiếng trong và ngoài nước, lấy ý kiến các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu sử dụng nguồn lao động của các công ty, doanh nghiệp. Nguyễn Trung Kiên, sinh viên năm nhất chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, nhà trường rất quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên tham dự các hội thảo liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn. Điều này rất có ích cho quá trình học tập và làm việc sau này của sinh viên”. Trung Kiên chia sẻ lý do chọn học ngành này vì chương trình đào tạo mới mang tính thử thách nên rất mong chờ được tiếp thu các kiến thức mới mẻ, thú vị liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chip.
Hiện nay, các ngành lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ nói chung, ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học - công nghệ. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn (Intel, Qualcomm, Infineon, Amkor...) có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Đặc biệt, tháng 9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; với mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Giám đốc Trường ĐH FPT Phân hiệu Cần Thơ (Tập đoàn FPT), cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, các cách thức vận hành mới trong kinh doanh và cuộc sống, việc các trường ĐH mở thêm các ngành học mới phù hợp với xu thế xã hội là tất yếu. Riêng Trường ĐH FPT Phân hiệu Cần Thơ đã triển khai các ngành liên quan như Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ ô-tô số, ngành hẹp IoT, An toàn thông tin, Thiết kế vi mạch bán dẫn…
* * *
Trong khi chờ quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 chính thức được ban hành, thí sinh cần theo dõi thường xuyên những thông tin tuyển sinh mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các trường ĐH qua website của đơn vị. Đặc biệt là xu hướng ngành, nghề đang có nhu cầu cao trong xã hội hiện nay và tương lai. Từ đó, thí sinh có thêm thông tin định hướng chọn trường, ngành phù hợp.
Bài, ảnh: B. KIÊN