17/02/2025 - 22:18

Nguy cơ hàng triệu ca tử vong do AIDS khi Mỹ đóng băng viện trợ 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Giám đốc điều hành Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) Winnie Byanyima ngày 16-2 cảnh báo quyết định đình chỉ viện trợ nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dẫn đến thêm hàng triệu ca tử vong do AIDS, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Phi.

Bà Byanyima nhấn mạnh: “Tình hình vô cùng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Tôi cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo để mọi người hiểu rõ rằng nguồn tài trợ này đóng vai trò sống còn trong cuộc chiến chống AIDS. Nếu viện trợ không còn, nhiều người sẽ tử vong”.

Mỹ là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất thế giới, với phần lớn các khoản tiền được phân bổ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Tuy nhiên, ngay khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Tổng thống Trump đã ra lệnh đóng băng phần lớn viện trợ nước ngoài trong vòng 3 tháng. Quyết định này khiến các tổ chức nhân đạo toàn cầu gặp khó khăn trong việc đối phó với hậu quả.

Lệnh đóng băng bao gồm cả việc đình chỉ mọi hoạt động của Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống về AIDS (PEPFAR) trong vòng 90 ngày, mặc dù sau đó chính quyền Mỹ đã miễn trừ đối với thuốc điều trị theo chương trình. Theo phân tích từ Quỹ Nghiên cứu AIDS (amfAR), chương trình này hiện đang hỗ trợ hơn 20 triệu bệnh nhân HIV/AIDS và cung cấp việc làm cho 270.000 nhân viên y tế.

Bà Byanyima trích dẫn ước tính của UNAIDS, cho biết: “Số ca tử vong do AIDS có thể tăng gấp 10 lần, lên đến 6,3 triệu người trong vòng 5 năm tới. Ðồng thời, số ca nhiễm HIV mới có thể tăng lên 8,7 triệu trong cùng giai đoạn”.

Dù Mỹ tuyên bố rằng “các phương pháp điều trị cứu sống mạng người” sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng băng, nhưng nhiều nhân viên y tế tuyến đầu ở châu Phi cho biết nhiều cơ sở y tế đã buộc phải đóng cửa do thiếu kinh phí.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, bà Byanyima cho biết bà đã thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo khu vực, hối thúc họ chuyển từ phụ thuộc nguồn tài trợ nước ngoài sang sử dụng nguồn lực tài chính trong nước.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia châu Phi đang chìm trong nợ nần, với một số nước phải chi hơn 50% tổng doanh thu để trả nợ, khiến họ không thể bù đắp sự thiếu hụt viện trợ. Bà nhấn mạnh: “Một giải pháp quan trọng là thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nợ một cách toàn diện và khẩn cấp. Ở nhiều quốc gia, gánh nặng nợ nần đang lấn át ngân sách dành cho y tế và giáo dục”.

USAID, được thành lập vào năm 1961, có ngân sách hàng năm hơn 40 tỉ USD để hỗ trợ các chương trình phát triển, y tế và nhân đạo trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước nghèo.

HỒNG MINH

Chia sẻ bài viết