Ðể thực hiện tốt Ðề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC) rất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số (CÐS), chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, hiện nông dân và các hợp tác xã (HTX) còn gặp khó về nguồn lực đầu tư và khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ. Ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ và mời gọi các nhà đầu tư để tối ưu hóa các công nghệ giúp nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp được thực hiện tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ trong vụ đông xuân 2024-2025.
Yêu cầu cấp thiết
Nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ giúp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh khu vực HTX và phục vụ liên kết chuỗi để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC là rất lớn và cần nguồn kinh phí lớn để thực hiện. Dự kiến có khoảng 2 triệu hộ nông dân trồng lúa, 1.230 HTX, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia vào Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư và khả năng tiếp cận các công nghệ mới của nhiều hộ dân, HTX và doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, cần tăng cường thu hút đầu tư và cần sự phối hợp tốt từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, cần tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của sản xuất như gieo sạ chính xác để giảm giống, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ. Ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số và phát triển sản xuất theo hướng xanh, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nâng cao thương hiệu… Ðặc biệt, nông dân phải tham gia vào HTX và thực hiện liên kết chuỗi để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và chuyển đổi tư duy sản xuất sản sang tư duy kinh tế. Theo đó, các HTX phải được đào tạo và đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, quản lý sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo minh bạch…
Thực tế cho thấy, thời gian qua với sự tăng cường liên kết hợp tác và hỗ trợ đầu tư từ các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nước ta đã triển khai được nhiều hoạt động đào tạo và chương trình, dự án chuyển giao các công nghệ mới. Tạo điều kiện cho nhiều nông dân, HTX sản xuất lúa tại ÐBSCL thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và chuỗi giá trị ngành hàng. Theo ông Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX nông nghiệp Ba Ðình ở tỉnh Bạc Liêu, HTX có 252 thành viên, canh tác 654ha theo mô hình lúa - tôm. Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cùng ngành chức năng tại địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, HTX đã được tiếp cận, ứng dụng các phần mềm và công nghệ số vào việc sản xuất, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, giúp kiểm soát tốt chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận và giảm các tác động xấu đến môi trường, đồng thời giúp HTX tăng cường kết nối thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Sản phẩm của HTX được tiếp cận nhiều đối tác hơn, giúp tăng giá trị và mở rộng đầu ra.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Nhằm thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ trong ngành lúa gạo, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ CÐS, chuyển đổi xanh thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Hội nghị đã tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế và các HTX gặp gỡ, cùng nhau thảo luận về giải pháp nhằm thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ CÐS, chuyển đổi xanh vào sản xuất lúa gạo. Ðây cũng là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân giới thiệu các công nghệ và trao đổi thông tin để kết nối cung - cầu, thúc đẩy hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện trên thế giới và ở trong nước có rất nhiều các công ty, nhà cung cấp các công nghệ. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để kết nối được các nhà cung cấp công nghệ với người sử dụng, giúp các HTX và nông dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các công nghệ được cung cấp từ các đơn vị, doanh nghiệp. Thông tin về các công nghệ cũng cần được thông tin đến các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ở nước ta và cả các tổ chức quốc tế để cùng với các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân thúc đẩy ứng dụng vào thực tế.

HTX Ba Đình trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại sự kiện hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ được tổ chức ở TP Cần Thơ.
Ðại diện nhiều địa phương và HTX đã cho rằng, ứng dụng công nghệ để CÐS, chuyển đổi xanh không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà là con đường tất yếu nhằm phát triển HTX và ngành hàng lúa gạo bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập tốt với quốc tế. Do nhiều nông dân và các HTX còn thiếu thông tin và còn hạn chế về tài chính, về khả năng tiếp cận công nghệ… nên tới đây các cơ quan chức năng cần có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn và kết nối cung - cầu công nghệ. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, qua quá trình thực hiện CÐS và chuyển đổi xanh tại Cần Thơ cho thấy vẫn còn bộc lộ các khó khăn cần được nêu ra để có định hướng khắc phục. Cụ thể như, nông dân và các HTX còn gặp khó trong đầu tư các trang thiết bị phục vụ CÐS, đồng thời nhiều nông dân cũng còn tâm lý ngại thay đổi, ngại ứng dụng các công nghệ mới. Vì vậy, phải có sự hỗ trợ quyết liệt từ ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan. Cần có các chương trình hỗ trợ đầu tư máy móc, công nghệ, tập huấn và đào tạo cho nông dân, nhất là theo hướng "cầm tay, chỉ việc"...
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, rất cần có vai trò của HTX, cũng như việc ứng dụng phần mềm, công nghệ số vào quản trị HTX và ứng dụng trong giám sát sản xuất và trong liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong đo đếm phát thải khí nhà kính… Do vậy, rất cần có sự tham gia đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp để tối ưu hóa các công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân và cả chuỗi ngành hàng lúa gạo. Rất mong tới đây các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Ðề án và tăng cường các hoạt động đầu tư, hợp tác, cùng phối hợp với các địa phương, với Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị có liên quan để triển khai các hợp phần của Ðề án trên…