Lầu Năm Góc đang trong quá trình soạn thảo kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ nước này khỏi miền Bắc Syria sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chê quốc gia Trung Đông là “mớ hỗn độn”. Cựu Bộ trưởng Lao động Anh Peter Hain gần đây đã cảnh báo rằng kế hoạch của Mỹ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở châu Âu.

Có khoảng 9.000 chiến binh IS đang bị giam giữ trong các trại ở miền Bắc Syria. Ảnh: AFP
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã “ghi điểm” cao vì sẵn sàng đối đầu với IS. Binh sĩ Mỹ khi đó, với sự hỗ trợ từ các nhóm vũ trang người Kurd, đã quét sạch IS ở thành phố Mosul của Iraq, tái chiếm phần lãnh thổ cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng khủng bố ở Syria và tiêu diệt thủ lĩnh lâu năm của tổ chức là Abu Bakr al-Baghdadi. Đến tháng 8-2020, ông Trump tuyên bố Mỹ đã xóa sổ hoàn toàn IS.
Nhưng gần 5 năm sau tuyên bố đó, IS không chỉ sống khỏe mà còn phát triển mạnh ở một số nơi trên thế giới.
Bành trướng ở Syria
Năm 2024, các cuộc tấn công của IS ở Syria đã tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Các vụ tấn công không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả mức độ tinh vi, tính sát thương và phạm vi địa lý.
Với việc chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ và sự ra đời của một chính phủ mới do Ahmed al-Sharaa, cựu thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir al-Sham lãnh đạo, chính phủ hiện tại sẽ không thể thiết lập được thế độc quyền sử dụng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của Syria. Hơn nữa, khi ông Sharaa đang vật lộn với nhiệm vụ thống nhất Syria, khả năng là sẽ có những thành phần trong liên minh của ông không chấp nhận đổi súng đạn lấy phiếu bầu. Những chiến binh dày dạn kinh nghiệm từ các vùng Kavkaz, Balkan và Trung Á có thể tìm cách gia nhập IS và tiếp tục cuộc thánh chiến ở Syria hoặc các quốc gia quê hương của họ.
Một vấn đề nổi cộm khác ở Syria là tình trạng của các nhà tù giam giữ những chiến binh IS và gia đình của họ. Những cơ sở này, hiện nằm dưới sự bảo vệ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, đang phải chịu áp lực ngày càng lớn. SDF đang giao tranh với Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, qua đó kéo căng nhân lực của SDF.
Với việc Mỹ đóng băng hầu hết các chương trình viện trợ trên thế giới, các trại ở Đông Bắc Syria cũng bị soi kỹ.
Một cuộc vượt ngục tại các trại như al-Hol, nơi giam giữ khoảng 39.000 chiến binh IS cùng người thân, sẽ là thảm họa. Kịch bản này không chỉ gia cố hàng ngũ IS bằng cách bổ sung những phần tử cực đoan bạo lực mà còn đóng vai trò là một thắng lợi về mặt tuyên truyền của tổ chức.
Đầu năm 2022, IS từng tấn công nhà tù ở Hasakah, Syria. IS giao tranh ác liệt với SDF suốt 10 ngày, giải thoát cho hàng trăm chiến binh và chỉ bị đẩy lùi bởi liên quân Mỹ - Anh. Đây là nền tảng trong chiến lược của IS có từ giai đoạn 2012-2013, khi tổ chức này lần đầu tiên khởi xướng chiến dịch “Phá vỡ Bức tường” trong các nhà tù trên khắp Iraq.
Mở rộng khắp châu Phi
IS cũng đã nhanh chóng mở rộng khắp khu vực châu Phi cận Sahara, củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ ở vùng Sahel. IS tỉnh Tây Phi (ISWAP) và IS Đại sa mạc Sahara (ISGS) vẫn là những bóng ma đáng sợ, đặc biệt là khi không có các lực lượng an ninh khu vực hoặc do nhà nước hậu thuẫn với khả năng kiềm chế các nhánh IS này.
Ở những nơi khác của châu lục, các nhánh IS tại Mozambique và Cộng hòa Dân chủ Congo gần đây đã phản công. Đáng nói, nhánh IS tại Somalia đang hoạt động như một nút hậu cần trong mạng lưới toàn cầu của tổ chức, nơi chân rết này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền, chiến binh nước ngoài và kiến thức của tổ chức dưới hình thức các cố vấn quân sự và người huấn luyện giàu kinh nghiệm.
Mối đe dọa còn đến từ IS tỉnh Khorasan (ISKP), nhánh Nam Á của IS hoạt động ở Afghanistan và Pakistan. Gần đây, ISKP đã hướng sự chú ý và nguồn lực sang tiến hành các hoạt động bên ngoài. Chỉ riêng trong năm ngoái, ISKP đã phát động các cuộc tấn công khủng bố phức tạp ở Cộng hòa Dagestan, Iran, Oman, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi đầu năm nay, một cựu binh lấy cảm hứng từ IS đã thực hiện vụ khủng bố bằng xe, khiến 14 người chết ở New Orleans, Mỹ.
HẠNH NGUYÊN (Theo Foreign Policy)