19/02/2025 - 09:09

Khủng hoảng quan hệ Mỹ - EU 

Mỹ và châu Âu đang đối mặt rạn nứt ngày càng lớn, từ bất đồng cách giải quyết vấn đề Ukraine cho tới chiến tranh thương mại chưa thấy hồi kết.

Lãnh đạo các nước EU chủ chốt và tổ chức liên quan họp tại Pháp. Ảnh: AP

Chia rẽ về an ninh

Trong khi các nhà hoạch định chính sách khu vực còn choáng váng sau màn “tấn công” của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhắm vào Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị an ninh thường niên ở Munich, lãnh đạo những nước chủ chốt bao gồm Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch cùng đại diện các tổ chức liên quan đã có mặt tại Điện Elysee dự cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập vào phút chót. Mục tiêu là giải quyết thách thức an ninh do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra.

Châu Âu đang lo Mỹ và Nga đạt thỏa thuận gây tổn hại an ninh khu vực mà không màng sự hiện diện của những bên còn lại. Nhưng sau 3 giờ hội đàm khẩn cấp, không có tuyên bố chung hay thông báo quan trọng nào được đưa ra khi các nhà lãnh đạo chia rẽ về những gì có thể đóng góp. Chẳng hạn như triển khai quân gìn giữ hòa bình, trong khi Pháp, Anh và Đan Mạch cởi mở với đề xuất trên thì Đức, Ba Lan phản đối. Về vai trò của Mỹ, quan điểm của Thủ tướng Anh Keir Starmer coi sự bảo vệ của Washington là cần thiết cho an ninh châu Âu còn Pháp thiên về chủ trương tự cường. Trước thái độ bất nhất như vậy, nhiều ý kiến cho rằng các vấn đề nên được đưa ra thảo luận tại diễn đàn lớn hơn như EU hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đối đầu trong thương mại

Cuộc họp khẩn về quốc phòng và an ninh ở Paris được tổ chức trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - EU đang diễn ra. Từ tháng 3, sắc lệnh của Tổng thống Trump áp 25% thuế lên nhôm và thép xuất khẩu tới Mỹ sẽ có hiệu lực; trong khi kế hoạch thuế nhập khẩu “có qua có lại” sẽ áp dụng từ tháng 4. Những biện pháp trên được dự báo sẽ tàn phá các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất ô tô của EU, chưa kể ông Trump muốn mức thuế quan mới phản ánh Thuế giá trị gia tăng (VAT) và trợ cấp của liên minh. Điều này đồng nghĩa thuế ô tô châu Âu phải chịu khi bán ở Mỹ có thể lên tới 30%. Hiện EU áp thuế 10% cho xe nhập khẩu so với mức 2,5% của Mỹ. Thuế cho thực phẩm, đồ uống nhập khẩu của khối cũng cao hơn Mỹ.

Thực tế, lo ngại của ông Trump về thuế quan đối với ô tô, nông nghiệp và thực phẩm từ EU không phải vô căn cứ. Trong 15 năm qua, EU xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu. Theo dữ liệu của Eurostat, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU là 158 tỉ USD vào năm 2023. Nhưng ở lĩnh vực dịch vụ, Mỹ có thặng dư 108 tỉ USD, làm giảm đáng kể thâm hụt thương mại chung với EU.

Tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài giữa Mỹ - EU bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không dễ khắc phục, chẳng hạn như chênh lệch mức thuế đã nêu hay sở thích của người tiêu dùng dẫn tới có lợi cho EU. Bên cạnh đó, quy định nghiêm ngặt của khối về nông nghiệp mà Mỹ cáo buộc là hình thức bảo hộ trá hình cũng khiến EU đối mặt nguy cơ đáng kể về thuế quan và những phiên đàm phán khó khăn sắp tới. Ngược lại, là nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới, Mỹ được dự báo gian nan hơn trước loạt biện pháp trả đũa của Brussels bao gồm lệnh hạn chế các công ty tư vấn và tài chính xứ cờ hoa, tăng thuế kỹ thuật số với các nền tảng Mỹ hoặc thu hồi quyền sở hữu trí tuệ.

Bất kể những bất bình và biện pháp giải quyết hợp lý hay không, chia rẽ giữa EU và Mỹ là có thực và ngày càng gia tăng. Diễn biến này phản ánh sự đảo ngược  và báo hiệu thay đổi lịch sử trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. EU khẳng định họ muốn đàm phán hơn là đối đầu, bằng chứng là cam kết của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp với Phó Tổng thống Vance về quan hệ thương mại công bằng. Ngoài đề xuất khả thi như mua thêm nhiều sản phẩm Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho biết EU sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu ô tô sao cho phù hợp mức hiện nay của Mỹ. Một đề xuất tiềm năng khác là tăng chi tiêu quốc phòng và mua vũ khí của nhà thầu Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Conversation, AP)

 

Chia sẻ bài viết