20/02/2025 - 19:37

Tín hiệu vui cho hoạt động xuất khẩu của Tiền Giang 

Theo thống kê, trong tháng 1-2025, tỉnh Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, đạt khoảng 8% chỉ tiêu cả năm. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản thế mạnh của tỉnh như gạo, rau quả, cá tra đông lạnh… đều tăng ngay từ tháng đầu năm là tín hiệu vui đầu năm mới 2025.

Chế biến cá tra đông lạnh tại Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng.

Cụ thể, trong tháng 1-2025, Tiền Giang đã xuất được gần 13.000 tấn gạo, thu về khoảng 8 triệu USD, tăng trên 53% về lượng và tăng trên 37% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; các mặt hàng rau quả cũng xuất được gần 4.500 tấn, thu về 15 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và tăng trên 56% về giá trị so với cùng kỳ năm trước… Thị trường cũng ngày càng mở rộng, đa dạng, giúp nông sản hàng hóa tỉnh Tiền Giang tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, nông dân hưởng lợi. Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả Tiền Giang còn xuất sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết: Tỉnh Tiền Giang có một lợi thế về xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là trái cây, tiếp sau đó lần lượt là thủy sản, lúa gạo. Trong năm 2024, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trái cây của tỉnh rất thuận lợi và theo dự báo năm 2025 thì xuất khẩu của Tiền Giang tiếp tục thuận lợi. Mới đây, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh có đề cập đến xuất khẩu mặt hàng trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc mà những mặt hàng chủ lực đó nằm ở tỉnh Tiền Giang như trái sầu riêng, dừa, mít, thanh long và các mặt hàng khác. Về thủy sản, theo các doanh nghiệp cho biết thì mặt hàng xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các thị trường.

Toàn tỉnh hiện có trên 84.000ha vườn cây ăn trái cho sản lượng mỗi năm trên 1,7 triệu tấn trái các loại. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên 24.000ha, sản lượng mỗi năm trên 400.000 tấn trái; trên 8.600ha thanh long cho sản lượng mỗi năm khoảng 298.000 tấn trái; gần 22.500ha dừa với sản lượng mỗi năm trên 246.000 tấn trái… Đây là những vùng nguyên liệu quan trọng phục vụ xuất khẩu của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh đã có 464 mã vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch với tổng diện tích trên 28.000ha. Tiền Giang đang phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn bộ diện tích cây trồng đặc sản xuất khẩu sẽ được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch đi các nước.

Ngoài ra, đối với mặt hàng thủy sản, tỉnh Tiền Giang hiện có 19 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, xây dựng quy trình sản xuất khép kín, tập trung đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng và mở rộng thị trường, với tổng công suất gần 160.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Godaco Seafood) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có quy mô sản xuất lớn với vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng, sở hữu 8 nhà máy có tổng diện tích 165.000m2 và 30 vùng nuôi có diện tích lên tới 300ha, công suất chế biến 40.000 tấn/năm. Năm 2024, doanh thu đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD. Công ty hiện có tổng số lao động gần 5.000 người. Thị trường tiêu thụ chính của Godaco Seafood là châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Trung Đông, Đông Nam Á... Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng - Nguyễn Văn Đạo, chia sẻ: Với đà như hiện nay, Công ty cũng tính toán đặt ra chỉ tiêu năm 2025 là doanh thu đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, tổng sản lượng xuất khẩu là 40.000 tấn sản phẩm các loại xuất khẩu đến 8 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tỉnh Tiền Giang đang phấn đấu trong năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 6,3 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2024. Để góp phần đạt mục tiêu này, các ngành chức năng nỗ lực khai thác những thế mạnh, nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản thế mạnh địa phương nói riêng.

Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết: Để góp phần đạt mục tiêu này, các ngành chức năng của tỉnh nỗ lực khai thác những thế mạnh, nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản thế mạnh địa phương nói riêng. Sở Công Thương tập trung triển khai một số giải pháp điều hành xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất, như: Tăng cường xúc tiến thương mại, Tổ chức các hội chợ, triển lãm và chương trình giao thương để giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Tập trung, kêu gọi các dự án đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản để nâng cao chất lượng nông sản và giá trị xuất khẩu. Chế biến sâu sẽ giúp các nhà máy có thể chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nó còn tiêu thụ hiệu quả nguyên liệu cho bà con nhà vườn khi vào mùa thu hoạch.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân đào tạo về tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ vốn, ứng dụng công nghệ cao. Mở rộng thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, tìm kiếm thêm cơ hội tại Trung Đông, châu Phi.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU

Chia sẻ bài viết