Tận dụng nguồn tài nguyên tre sẵn có và truyền thống sản xuất lâu đời của địa phương, nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đang thúc đẩy phong trào thay thế nhựa bằng các sản phẩm làm từ tre. Trong đó nổi bật là các khu vực sản xuất tre quan trọng ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Quảng Đông và An Huy.

Dụng cụ ăn uống làm từ tre được trưng bày tại trung tâm triển lãm sản phẩm tre An Cát (Trung Quốc).
Từ thế kỷ 11 trước Công nguyên, tre đã được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc từ việc dùng làm thực phẩm, phương tiện chuyên chở, vũ khí cho đến dựng nhà, làm giấy và nhạc cụ. Theo Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc, nước này có hơn 7 triệu héc-ta rừng tre và là quốc gia sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ tre lớn nhất thế giới. Diện tích rừng tre của Trung Quốc ước tính tương đương với diện tích toàn bộ Ireland.
Tại huyện An Cát ở tỉnh Chiết Giang, tre đang được dùng thay thế nhựa trong nhiều sản phẩm, từ bộ dụng cụ ăn dùng một lần cho đến bàn chải đánh răng, lược chải tóc. Với diện tích 666km2 rừng tre (bằng khoảng 80% diện tích thành phố New York ở Mỹ) và lịch sử sử dụng tre lâu đời, An Cát đang đóng vai trò như là hình mẫu trong việc thúc đẩy dùng tre thay thế nhựa. Năm 2023, Trung Quốc khởi động kế hoạch kéo dài 3 năm nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp tre như là vật liệu thay thế nhựa, với việc An Cát được chọn là một trong những địa điểm thực hiện đầu tiên.
Song, bà Bai Xia, quản lý trung tâm triển lãm sản phẩm tre An Cát, cho biết từ năm 2022, các khay đựng thức ăn bằng tre đã dần thay thế khay nhựa tại nhà ăn của các cơ quan địa phương. Các bộ dụng cụ ăn, bàn chải đánh răng, lược và kem đánh răng bằng tre cũng được sử dụng rộng rãi ở An Cát, trong khi đồ dùng trên bàn ăn làm bằng tre có mặt tại hơn 300 nhà hàng và khách sạn trong huyện. “Tại các chợ địa phương, túi nhựa cũng đã được thay thế bằng túi phân hủy sinh học làm từ 60% bột tre. Những chiếc túi tre này có thể phân hủy trong vòng 3 tháng nhưng lại bền hơn túi nhựa”, bà Bai nói thêm.
Trong sản xuất nông nghiệp, màng phủ làm từ tre đang thay thế màng phủ nhựa, được dùng để giữ nhiệt và giữ nước cho cây trồng. Còn ở lĩnh vực giáo dục, nhiều trường mẫu giáo ở An Cát cũng đã sử dụng sản phẩm đồ chơi làm từ tre cho trẻ nhỏ.
Ngoài lợi ích môi trường, sự phát triển công nghiệp các sản phẩm tre còn mang lại lợi ích kinh tế cho An Cát. Như riêng năm 2023, ngành công nghiệp tre đã tạo ra doanh thu khoảng 18 tỉ NDT (2,46 tỉ USD) cho An Cát. Chuyên gia Tang Hui ở Sở Lâm nghiệp An Cát cho hay sản lượng tre tại huyện ước tính từ 400.000-500.000 tấn mỗi năm, qua đó giúp người dân địa phương kiếm thu nhập từ thu hoạch tre. Khả năng trưng thu carbon mạnh mẽ của tre cũng mang lại thêm doanh thu cho địa phương, nhờ việc trao đổi tín chỉ carbon.
Với khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp tre, tre đã trở thành nền tảng của nền kinh tế An Cát. Liang Fenghui, Tổng Giám đốc Zhejiang Fenghui Bamboo and Wood, có trụ sở tại An Cát, cho biết công ty ông đã kiếm được mức doanh thu 130 triệu NDT vào năm 2023 bằng cách bán các sản phẩm tre trong nước và quốc tế, bao gồm cả châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và Đông Nam Á.
Mặc dù tre có thể một giải pháp thay thế nhựa triển vọng, nhưng ông Liang thừa nhận rằng nhu cầu dùng tre tại Trung Quốc có thể cần thời gian để tăng trưởng, bởi còn chờ người dân thay đổi quan điểm tiêu dùng. Trong đó, một thách thức chính là sự chênh lệch trong giá cả giữa tre và nhựa. Mặc dù sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn, nhưng vẫn nó rẻ hơn do có chi phí thuê nhân công và vận chuyển thấp hơn so với việc khai thác và chế biến tre.
Bà Bai lấy ví dụ rằng trên cửa hàng trực tuyến sản phẩm tre An Cát, giá 1 chiếc bàn chải đánh răng bằng tre là 3 NDT và một bàn phím Bluetooth bằng tre là 299 NDT, tức có giá cao hơn so với các sản phẩm thay thế bằng nhựa. “Để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm tre trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống”, bà Bai nhận xét.
NGUYỆT CÁT (Theo China Daily)