25/03/2015 - 20:25

Tự hào tiếp bước dưới cờ Đảng

Bài 2: KHÁT KHAO CỐNG HIẾN

Với tinh thần tình nguyện, cống hiến sức trẻ, tri thức góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhiều thế hệ thanh niên Cần Thơ đã và đang ra sức thi đua rèn luyện phẩm chất đạo đức; học tập trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ chính trị, chăm bồi lý tưởng cách mạng. Ở từng vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau, họ đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là thế hệ tiếp bước dưới cờ Đảng…

Phát huy vai trò thủ lĩnh thanh niên

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Phước Sang tình nguyện lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Với những nỗ lực, rèn luyện của bản thân, ngày 2-9-2005, anh Sang vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Xuất ngũ trở về địa phương, anh Sang tham gia lực lượng thường trực Ban Chỉ huy Quân sự phường Tân Lộc. Sau đó, anh được phân công phụ trách công tác Đoàn, với vai trò là Quyền Bí thư, rồi Bí thư Đoàn phường Tân Lộc và gắn bó hơn 6 năm nay.

Anh Trần Phước Sang, Bí thư Đoàn phường Tân Lộc, tích cực tham gia các phong trào tình nguyện giúp dân.
Ảnh: Q. THÁI
 

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu, anh Sang không ngừng học tập kinh nghiệm từ những cán bộ Đoàn đi trước, nhanh chóng “bắt nhịp” và đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên địa phương ngày càng phát triển. Với sự năng động khởi xướng, phát động những phong trào thiết thực, mô hình sáng kiến hiệu quả, anh Sang đã nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác Đoàn, Hội. Nổi bật là việc thành lập Câu lạc bộ Tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên, xây dựng các mô hình làm kinh tế hiệu quả… Anh Sang chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu bức thiết của thanh niên địa bàn dân cư là thiếu việc làm và thiếu vốn sản xuất, chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên, tổ chức đưa anh em đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm…”. Từ việc được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, và tham quan thực tiễn, nhiều đoàn viên đã ứng dụng được các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Nổi bật là mô hình trồng thanh long ruột đỏ do anh Nguyễn Chí Thành, Bí thư Chi đoàn khu vực Tân An làm chủ mô hình; mô hình nuôi lươn, nuôi ba ba, nuôi ếch, trồng mận An Phước, ổi không hạt… riêng mô hình dệt chiếu đã giúp anh Trần Minh Triết, Bí thư Chi đoàn khu vực Đông Bình (trước đây) được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Anh Sang cho biết thêm: “Các chương trình thiết thực, những tấm gương điển hình, những mô hình hiệu quả càng khơi dậy sức sáng tạo, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ Đoàn”. Mới đây, anh Trần Minh Trung, Bí thư Chi đoàn khu vực Phước Lộc nhận được Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2014 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc trao tặng. Sự gương mẫu của cán bộ Đoàn được thể hiện rõ qua đợt đưa quân đợt 1 năm 2015 vừa qua. Trong số 39 thanh niên lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc của phường Tân Lộc, có 2 cán bộ Đoàn tình nguyện nhập ngũ là: Phan Chí Nguyện, Bí thư Chi đoàn khu vực Lân Thạnh 2 và Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Chi đoàn khu vực Đông Bình.

Cống hiến và trưởng thành

Cũng từng trưởng thành từ công tác Đoàn, anh Phạm Văn Dữ, hiện là Chủ tịch UBND xã Trường Thắng, huyện Thới Lai không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn ban đầu để góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đưa địa phương ngày càng phát triển. Anh Dữ phấn khởi cho biết: “Hiện tại, UBND xã đang rà soát, lập danh mục đề nghị về huyện và thành phố đầu tư các công trình xây dựng trung hạng đến năm 2020. Cùng với việc được thành phố đầu tư đường ô tô về trung tâm xã, tổng kinh phí 62 tỉ đồng, xã Trường Thắng đang phấn đấu đến cuối năm sẽ “xóa” các tuyến đường đất. Riêng cuối tháng 3-2015 sẽ khởi công xây dựng Nhà văn hóa ấp Trường Phú A từ nguồn kinh phí vận động, tiến tới công nhận ấp văn hóa… Phấn đấu đến năm 2017, xã Trường Thắng được công nhận xã văn hóa, năm 2018 sẽ ra mắt xã nông thôn mới…”.

Khi nhận nhiệm vụ tại xã Trường Thắng, nhận thấy đời sống người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa đồng bộ… anh Dữ đã bắt tay vào việc chỉ đạo xây dựng, nâng cấp các tuyến đường, nạo vét kênh thủy lợi, phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao mức sống người dân. Trong đó, xã tập trung đầu tư nạo vét kênh tạo nguồn, kênh nội đồng, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc nâng cấp các tuyến lộ. Mặt khác, với vai trò của mình, anh Dữ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi... Nhờ những giải pháp đồng bộ, cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 6,07%, thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm, đạt 12/20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (so với năm 2013 tăng 2 tiêu chí); phấn đấu năm 2015 xây dựng đạt thêm 3 tiêu chí…

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Dữ tham gia công tác ở Huyện đoàn Ô Môn (cũ). Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, anh được cử đi học Lớp Trung cấp chính trị và nghiệp vụ Thanh vận. Đến năm 2005, anh Dữ được phân công nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Huyện đoàn Cờ Đỏ. Sau khi chia tách huyện Cờ Đỏ và Thới Lai, anh chuyển công tác về Thới Lai và được bầu làm Phó Bí thư Huyện đoàn. Sau nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn, anh Dữ ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Dù bộn bề công việc, nhưng anh luôn sắp xếp một cách khoa học để có thể tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành dành cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt địa phương. Hiện anh hoàn thành chương trình Đại học Luật. Nhưng với anh điều quan trọng nhất là người cán bộ phải luôn có tinh thần, thái độ cầu thị, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Anh Dữ chia sẻ: “Bên cạnh sự nỗ lực vượt khó, ý thức phấn đấu thì mỗi cán bộ rất cần sự học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển”.

Nêu cao tinh thần tình nguyện

Thời gian qua, các phong trào xung kích, tình nguyện của thanh niên ngày càng nở rộ trên các lĩnh vực. Bên cạnh những bạn trẻ với bầu nhiệt huyết cống hiến sức trẻ, tình nguyện phục vụ người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn thì có một số thanh niên quyết tâm bám trụ, đem tri thức, những tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Xuân Lâm (sinh năm 1987), trước đây từng là Bí thư Chi đoàn ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thạnh.

Từng tốt nghiệp Trung cấp ngành Thú y, rồi liên thông lên Cao đẳng, Lâm xin làm nhân viên mạng lưới thú y xã Trung Hưng. Trong khoảng thời gian này, Lâm vừa tích lũy thêm kiến thức thực tiễn vừa tiếp tục liên thông học Đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Lâm về ấp xin tham gia công tác Đoàn, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Anh Lâm tâm sự: “Lúc tôi xin về công tác ở ấp, nhiều người không hiểu đã cười tôi. Nhưng tôi nghĩ là thanh niên dù ở bất cứ đâu, lĩnh vực nào thì mình cũng có thể đem kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế, phục vụ tốt cho nhân dân”.

Anh Sơn Hùng, Chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Thới Lai tích cực trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Ảnh: P. LAM

Với những kiến thức học tập và tích lũy, thời gian qua, anh Lâm đã ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Với thu nhập từ mô hình nuôi heo, nuôi cá và bán thuốc, thức ăn chăn nuôi, thu nhập hằng năm của anh Lâm trên 150 triệu đồng. Hiện tại, Lâm còn tranh thủ thời gian theo học Đại học bằng 2 ngành Kỹ sư chăn nuôi Thú y, hệ vừa làm vừa học. Anh Lâm tâm sự: “Có dịp tham gia công tác Hội, tôi thường xuyên tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cũng như tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân để có biện pháp giúp đỡ cho phù hợp. Sắp tới, tôi có dự định nuôi thử nghiệm giống gà mới, nếu thấy hiệu quả sẽ nhân rộng…”.

Bên cạnh những khát khao cống hiến, phấn đấu của mỗi thanh niên phải kể đến sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên bằng nhiều chính sách, cách làm hiệu quả. Có thể kể đến các chương trình, đề án hỗ trợ học tập, cử tuyển, giúp nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập nâng cao trình độ, trở về phục vụ đồng bào, người dân tại địa phương. Như trường hợp của anh Sơn Hùng, hiện là chuyên viên phụ trách công tác Tôn giáo, quản lý Hội thuộc Phòng Nội vụ huyện Thới Lai.

Xuất thân trong một gia đình nông dân người dân tộc Khmer nghèo, mới học đến lớp 5, anh Sơn Hùng nghỉ học, sau đó xuất gia, tu ở chùa Pôthi Somrôn (quận Ô Môn) trong 9 năm. Năm 2001, anh được đưa đi học lớp Trung cấp Pali (ở Sóc Trăng). Anh Sơn Hùng kể: “Học xong tôi trở lại chùa thì đã “hết chữ” để học. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến việc đi làm vì tôi muốn đem những kiến thức mình học được phục vụ cho bà con người dân tộc. Lợi thế của tôi là người dân tộc sẽ tiếp cận, tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân tộc sẽ dễ dàng”. Nghĩ vậy, anh Hùng xin vào công tác tại Phòng Tôn giáo- Dân tộc huyện Cờ Đỏ, sau khi chia tách huyện anh về công tác tại Thới Lai. Anh Hùng bộc bạch: “Tôi may mắn được cơ quan quan tâm, đưa cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn và tự trau dồi kỹ năng tin học…để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác”. Năm 2014, anh Hùng vừa tốt nghiệp Cử nhân Xã hội học. Hiện tại, anh đang tham gia học lớp Trung cấp Lý luận Chính trị.

QUỐC THÁI - QUỲNH LAM


Bài cuối: Vun đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ

Chia sẻ bài viết