23/03/2009 - 20:44

Từ cậu bé hàng rong đến Tiến sĩ Toán học

Khi vào Google, gõ dòng chữ “D32 Anti virus”, kết quả tìm kiếm trong khoảng thời gian 0,29 giây cho ra 23.600 trang. Nhận xét về D32, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: “Đây là chương trình chống virus 32 bits cho Windows đầu tiên của Việt Nam do Trương Minh Nhật Quang, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ phát triển sau khi tác giả đã rất thành công với chương trình chống virus D2 chạy với môi trường Dos(1)”. Trung tuần tháng 2-2009, tôi có dịp diện kiến tác giả của D32 Anti Virus khi anh vừa trở về từ TPHCM, sau khi bảo vệ đề tài tiến sĩ cấp Nhà nước.

1. Phần mềm diệt virus máy tính hiện nay rất nhiều và đa dạng, nhưng đa phần đều có xuất xứ từ nước ngoài. Sản phẩm trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, một trong số những phần mềm diệt virus hiếm hoi ấy là D2 và sau này là D32 của Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang (giảng viên Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ). Cùng với BKAV của Nguyễn Tử Quảng ở Hà Nội, D32 trở thành phần mềm diệt virus được mọi người đón nhận khá nồng nhiệt. Và khi nhắc đến những người có tâm huyết đối với việc cập nhật, viết phần mềm chống virus máy tính, người ta hay nhắc lại câu: “Nam Quang, Bắc Quảng”. Kể từ lúc phát hành (tháng 2-2001) đến nay, D32 đã có nhiều cải tiến quan trọng; cùng với BKAV, D32 trở thành phần mềm diệt virus trên nhiều hệ thống công nghệ thông tin ở Việt Nam.

 

Tiến sĩ Quang hiện là giảng viên của Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ. Ngày 10-1-2009, tại Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trương Minh Nhật Quang rưng rưng nước mắt giữa vòng tay bạn bè, đồng nghiệp khi anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước với đề tài “Tiếp cận máy học và hệ chuyên gia để nhận dạng, phát hiện virus máy tính” thuộc chuyên ngành Đảm bảo toán học cho máy tính và hệ thống tính toán. Bảy thành viên của Hội đồng phản biện thì có 5 người bỏ phiếu xuất sắc. “Với nhiều người khác, để đạt học vị tiến sĩ có khi chỉ mất 5-6 năm kể từ khi tốt nghiệp Đại học, nhưng với tôi thời gian là chẵn 20 năm” - anh Quang bày tỏ - Sắp tới, mình tiếp tục cập nhật lại D32. Do thời gian trước đây phải làm đề tài khoa học nên không có thời gian”.

... Mối lương duyên dẫn anh Quang đến với việc viết phần mềm diệt virus khá thú vị, một khúc quanh trong nghề nghiệp. Giữa năm 1992, khi học khóa trung cấp 6 tháng về tin học, rồi về quản lý phòng máy của Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ, khi ấy virus Dir2/FAT với nguyên tắc gây nhiễm bất thường xuất hiện ở Cần Thơ, nhiều anti-virus hiện hành lúng túng trước loại virus này. Khi đó, Quang bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ Assembly để viết D2. Khoảng 1 tháng sau, D2 (chỉ vẻn vẹn có 5K) chương trình chống virus Dir2/FAT ra đời và tiêu diệt nhanh chóng virus Dir2/FAT. Do nghe nhầm tên virus, anh Quang đã đặt tên cho sản phẩm của mình là D2. Về sau, khi biết rõ tên virus, vì muốn giữ lại tên gọi ban đầu nên anh Quang chỉ giải thích đơn giản: “D2 có nghĩa là “Detect and Destroy Viruses” - Tìm và diệt Virus”. Năm 2000, hệ điều hành Windows 2000 ra đời, chính thức loại bỏ MS-Dos ra khỏi Windows, Trương Minh Nhật Quang ngưng phát triển D2 và đầu tư cho phiên bản chạy trên Windows. Trung tuần tháng 2-2001, phần mềm D32 hoàn tất, chạy trên nền Windows 32 bits, phát triển từ D2 nên đặt tên là “D32 Diagnose and Destroy Computer Viruses for Windows 32”.

Với những ai chưa biết nhiều về Trương Minh Nhật Quang thì cho đấy là quá lâu để có được học vị cao nhất trong nghiên cứu khoa học, nhưng nếu biết rằng để có được một Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang của hôm nay là cả một hành trình kiên trì vượt khó 30 năm về trước của cậu bé Trương Minh Nhật Quang ở xứ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

2. ...30-4-1975, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, khi ấy Trương Minh Nhật Quang đang học lớp 5 chuẩn bị thi lên lớp 6, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Ba mẹ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, 8 anh chị em của Quang từ nhỏ đến lớn tùy sức sau mỗi buổi học đều phải phụ giúp để lo cho nồi cơm gia đình. Năm 1978, nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình Quang từ Hà Tiên chuyển đến Thuận Yên (Hòn Đất, Kiên Giang) để chạy giặc. Dù chiến tranh, gia cảnh khó khăn nhưng Quang cùng chị gái và các em đều quyết tâm không bỏ học. Khi anh lên lớp 10, phải học trường cấp 3 ở Kiên Lương - cách nhà hơn 30km. Vậy nên, hằng tuần, cứ chiều chủ nhật lội bộ từ nhà đến ký túc xá của trường để chuẩn bị cho thứ hai vào học, đến chiều thứ 7 khăn gói về nhà để cụ bị gạo mắm lên trường học tiếp... Phải đến năm Quang học lớp 11, khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, cả gia đình chuyển về lại Hà Tiên sinh sống thì chuyện học hành của anh chị em Quang mới bớt cực nhọc. Nhưng giai đoạn đầu thập niên 1980, Hà Tiên tan hoang sau chiến tranh biên giới, nhà cửa đổ nát, ngôi nhà của gia đình Quang cũng không ngoại lệ. Cả nhà lui cui hết mấy ngày trời để gom từng miếng tôn, tấm ván... dựng tạm lại ngôi nhà che nắng che mưa. Cả gia đình phải sống vật vạ dưới mái nhà che tạm gần một năm trời thì mới dựng lại được nhà cửa đàng hoàng.

Năm học 1982-1983, Trương Minh Nhật Quang tốt nghiệp cấp III. “Tốt nghiệp xong, tôi đăng ký thi vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Nhưng thi rớt. Đành khăn gói về Hà Tiên đi làm thuê, vừa tranh thủ ôn bài để năm sau thi tiếp. Mới tốt nghiệp cấp III, không có chuyên môn gì, tôi và thằng em kế phải làm nghề đổi nước mướn. Hồi đó, ở Hà Tiên chưa có hệ thống cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt của người dân đều lấy từ 3 ao sen rộng ở thị trấn. Vậy là hằng ngày, Quang cùng cậu em sử dụng xe kéo chở một phuy không đến ao sen gần nhà, gánh nước cho vào phuy rồi đem bán cho các hộ dân... Trung bình, mỗi ngày anh chở và bán được 15 - 20 phuy nước, kiếm ít tiền phụ giúp cha mẹ lo cuộc sống gia đình và tranh thủ ôn bài cho kỳ tuyển sinh năm 1984. Thế nhưng giấc mộng vào đại học của Quang năm đó đành gác lại, nhường cho cậu em trai kế (Tư Nguyên) đã thi và trúng tuyển vào hệ dự bị Trường Đại học Cần Thơ. Còn Trương Minh Nhật Quang mãi đến năm 1985, mới thi đậu vào Đại học Cần Thơ với số điểm 18,5, cao thứ nhì trong tỉnh Kiên Giang. 4 năm học đại học là quãng thời gian Trương Minh Nhật Quang xoay xở bằng đủ thứ nghề như chạy xe đạp ôm, dạy kèm... để kiếm sống, ngoài thời gian trên giảng đường.

Chuyện vừa học, vừa mưu sinh đối với Quang không hề xa lạ, ngay từ năm học lớp 7 cho đến hết lớp 9, anh đã bán bánh mì dạo để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. “Thậm chí bữa nào bán ế, mình mang theo bánh mì vào lớp để tranh thủ giờ ra chơi mời bạn bè mua ủng hộ” - anh Quang nhớ lại. Nhưng có chuyện làm anh nhớ mãi. Đó là vào học kỳ I của năm anh học lớp 8. Thầy giáo dạy môn Toán đã mắng anh một trận ra trò trước mặt cả lớp vì sức học của anh giảm sút rõ rệt. “Tôi nhớ hoài câu thầy nói: “Học không được thì nghỉ, đừng đi học!”. Nghe thầy nói vậy, đang ngồi trong lớp, tôi ôm vội bao bánh mì bỏ chạy ra sau hè lớp, ngồi khóc ngon lành” - anh Quang kể. Thấy Quang xách theo bao bánh mì chạy ra khỏi lớp, thầy dạy Toán ngạc nhiên hỏi các bạn trong lớp và lúc này mới vỡ lẽ là cậu học trò ốm yếu ấy ngoài giờ học phải đi bán bánh mì dạo kiếm tiền phụ giúp gia đình... Buổi tối hôm đó, khi Quang đi bán bánh mì về đến nhà thì cha mẹ cho hay thầy giáo dạy Toán vừa ghé. Thì ra thầy muốn đưa Quang vào đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi học sinh giỏi vòng huyện, nhưng khi thấy sức học Quang giảm sút mới nóng lòng la mắng. Biết được hoàn cảnh của Quang, thầy rất thông cảm.

Năm 1989, tốt nghiệp sư phạm Lý, Trương Minh Nhật Quang về dạy học tại Trường cấp 3 Hà Tiên - Kiên Giang. Đến năm 1990, anh lập gia đình. Bà xã anh chính là cô bạn học sư phạm ngoại ngữ khóa 10 tên Nguyễn Thị Ngọc Trang quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long (chị Trang hiện là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ, tháng 1-2009 vừa bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về ngoại ngữ - PV). Cưới xong, nhưng Trang ở Cần Thơ, còn Quang vẫn ở Hà Tiên. Cứ cuối tuần, anh lại đón xe đò về Cần Thơ thăm vợ, chiều chủ nhật lại về Hà Tiên. Cũng trong năm 1990, do điều kiện gia đình khó khăn, neo đơn, Quang xin chuyển về Cần Thơ nhưng không được, anh làm đơn xin nghỉ việc về Cần Thơ để lo gánh vác chuyện gia đình. Vì sinh kế, anh xoay xở đủ thứ nghề để mưu sinh. Từ nuôi cá bột để bán đến chuyện về quê mua lúa, chở ra nhà máy xay xát, đem bỏ mối kiếm lời... Cuối năm 1991, anh được giới thiệu vào làm việc ở Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ. Sau đó Trung tâm đưa anh đi học lớp Trung cấp tin học 6 tháng ở Đại học Kinh tế TPHCM. Đến giữa năm 1992, học xong, Quang được lãnh đạo Trung tâm phân công hướng dẫn thực tập tin học... Vừa làm, vừa tranh thủ học thêm về tin học suốt 3 năm ròng, đến năm 1995, Trương Minh Nhật Quang trúng tuyển lớp đào tạo tin học sau đại học của Viện Tin học sử dụng tiếng Pháp (IFI - Hà Nội), đến năm 1997 anh tốt nghiệp với đề tài “Hệ chẩn đoán thông minh virus máy tính”.

3. Tuổi đời đã 44, nhưng Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang chưa tròn 1 năm tuổi Đảng (anh vào Đảng tháng 10-2008). Trả lời cho ánh mắt ngạc nhiên của tôi khi nghe kể về chuyện ở tuổi 43 anh mới được kết nạp Đảng, TS Quang cười: “Tôi không chạnh lòng hay buồn phiền gì về chuyện này. Tôi suy nghĩ một lẽ, Đảng cần sự phấn đấu bền bỉ hơn, rõ nét hơn, khó khăn hơn”. Anh nói, sinh ra trong gian khó, nỗ lực vươn lên để học tập, rèn luyện và để có được ngày hôm nay, anh xác định vai trò của bản thân mình với gia đình, với xã hội từ khi còn học cấp III. “Ai cũng có sự ích kỷ, vì mình, vì gia đình. Nhưng điều ấy trong tôi dần thay đổi và tôi ý thức được vai trò của cá nhân trong xã hội chính từ câu chuyện của một sử gia người Mỹ” - anh Quang bày tỏ.

... Năm học 1982-1983, khi Trương Minh Nhật Quang đang học lớp 12 Trường cấp III Hà Tiên. Trong một lần vào thư viện để mượn sách, anh vô tình tìm thấy một cuốn sách cũ, in giấy đen, trong đó có những câu chuyện kể về Bác Hồ thời trẻ. Cuốn sách ấy có hàng chục câu chuyện của nhiều tác giả, nhưng anh nhớ mãi câu chuyện của một nữ sử gia người Mỹ, kể lại câu chuyện Bác Hồ đến New York - Mỹ vào cuối năm 1912. Đọc câu chuyện đã 27 năm, nhưng anh vẫn nhớ nằm lòng.

Nói về Trương Minh Nhật Quang, xin được mượn lời của Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, người đã cùng một bạn học viết phần mềm BKAV (phiên bản đầu tiên công bố tháng 7-1995): “Nghị lực vượt qua các khó khăn trong cuộc sống của anh Quang thật lớn, khiến tôi càng quyết tâm hơn”. Khi kể lại chuyện đời của mình, Tiến sĩ Quang tâm sự: “Giờ đây, tôi dồn sức cho công việc, trong đó tranh thủ tiếp tục nâng cấp D32 và dành thời gian rảnh cùng vợ chăm lo cho các con Trương Minh Đông Hân năm nay học lớp 9 và cô út Trương Minh Ngọc Hân đang học lớp 1”.

... Cuối năm 1912, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình đi khắp các nước trên thế giới đã đặt chân tới New York - Mỹ. Ở đây, Người đến thăm tượng Thần Tự Do một kỳ quan của nước Mỹ tự do. Khi đến xem tượng Thần Tự Do, Người nhìn xuống chân tượng và ghi lại trong sổ lưu niệm: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc ? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Nữ sử gia đã nhận xét: “Duy nhất Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ tượng Thần Tự Do”.

“Tôi mang câu chuyện này suốt cuộc đời mình và từ câu chuyện về Người, tôi đã xem người như một thần tượng lớn nhất của đời mình để phấn đấu. Dẫu rằng, điều tôi phấn đấu chỉ là nhỏ, rất nhỏ so với sự cao cả, hy sinh lớn lao của Người nhưng từ tấm gương của Người, từ thuở đất nước còn khó khăn ấy, tôi đã có nghị lực, lòng kiên trì, nhẫn nại để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, vươn lên sống tốt, phấn đấu không mệt mỏi để trau dồi trí thức, phục vụ công cuộc phát triển đất nước”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

(1) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhầm nơi công tác của anh Quang, chính xác phải là Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết