06/12/2014 - 16:17

Truyền thông Nhật Bản và “áp lực” trước bầu cử

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản vừa gửi một văn bản đến 5 đài truyền hình lớn yêu cầu họ đảm bảo tính trung lập, công bằng và khách quan trong các chương trình liên quan được phát sóng vào thời điểm diễn ra chiến dịch vận động cho bầu cử Hạ viện trước thời hạn vào ngày 14-12 tới.

Theo tờ Kyodo News, văn bản được gửi đến các giám đốc chương trình và biên tập viên tin tức hàng đầu của 5 đài truyền hình có trụ sở tại Thủ đô Tokyo chỉ vài ngày sau lời kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong đó, nội dung yêu cầu họ phải trung lập và công bằng về số lần, thời gian xuất hiện nhất định của các ứng cử viên cũng như việc lựa chọn chủ đề thảo luận trong các cuộc phỏng vấn. Ngoài ra, văn bản cũng đòi hỏi cân đối quá trình phỏng vấn người dân và mức độ sử dụng các đoạn phim video vừa phải để đảm bảo quan điểm được phát sóng "không mang tính chất một chiều".

-Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận việc đưa tin về chiến dịch vận động bầu cử trong một cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 1-12. Ảnh: Bloomberg

Đây được xem là ví dụ mới nhất về mối quan hệ căng thẳng giữa chính phủ của ông Abe và các phương tiện truyền thông Nhật Bản, đặc biệt là các tờ báo và trang mạng có quan điểm đối lập với đảng cầm quyền. Nhiều nguồn tin cho biết, đài truyền hình NHK không đưa ra bình luận trong khi bốn đài truyền hình khác thừa nhận họ đã nhận được yêu cầu bằng văn bản và nói rằng "sẽ tiếp tục phấn đấu để đảm bảo tính công bằng và trung lập".

Được biết, chưa có cơ quan báo chí hoặc tổ chức giám sát nào công khai nhận xét về lá thư của LDP. Trước đó, các phương tiện truyền thông chính thống cũng không báo cáo về vụ việc trong gần một tuần, cho đến khi câu chuyện bắt đầu gây chú ý trên các trang web trực tuyến. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Abe cho biết LDP cảm thấy "cần phải làm như vậy" bởi trước đây từng xảy ra sự cố khi một đài truyền hình chủ mưu "bóp méo tin tức hòng lật đổ chính phủ". Theo các chuyên gia, vụ việc được nhắc đến có thể liên quan cuộc bầu cử hồi năm 1993, khi đó LDP đã thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện và mất quyền lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, động thái của LDP ngay lập tức vấp phải chỉ trích khi giới phê bình lên tiếng cáo buộc chính phủ của ông Abe "gây nguy hiểm cho tự do báo chí". "Báo chí được coi là cơ quan giám sát dân chủ. Tuy nhiên, họ lại đang bị yêu cầu bảo vệ quyền lực" - Giáo sư về luật truyền thông Yasuhiko Tajima tại Đại học Sophia lên án. Trong khi đó, Giáo sư Takaaki Hattori cùng chuyên ngành thuộc Đại học Rikkyo gay gắt cho rằng, văn bản của LDP là "can thiệp bất hợp lý và gây áp lực" đối với quyền tự do của các phương tiện truyền thông. Theo ông Takaaki, từ "công bằng" được lặp đi lặp lại trong văn bản chứng tỏ chính quyền ông Abe lo ngại bị giới truyền thông chỉ trích.

MAI QUYÊN (Theo WSJ, Japan Times)

Chia sẻ bài viết