23/05/2010 - 09:30

Trường Eton - “vườn ươm” Thủ tướng Anh

Hôm 11-5, khi David Cameron bước chân vào Nhà số 10, phố Downing ở Luân Đôn, ông trở thành thủ tướng thứ 19 của Anh xuất thân từ Trường Trung học Nam sinh Eton nằm bên bờ sông Thames. Tại sao có quá nhiều nguyên thủ xứ sương mù tốt nghiệp ở ngôi trường hơn 550 năm tuổi này?

Trường Eton được vua Henry VI thành lập năm 1440 và ban đầu là trường từ thiện dành cho con em gia đình nghèo khó. Hiện nay, Eton đào tạo chủ yếu những cậu ấm con nhà danh gia vọng tộc. Hai hoàng tử William và Harry cũng từng học ở ngôi trường này. Tuy không phải là ngôi trường đắt đỏ nhất hay có học sinh thi cử xuất sắc nhất Vương quốc Anh nhưng Eton đã đào tạo 19 cậu bé mà sau này lần lượt trở thành chủ nhân của Phủ Thủ tướng Anh, mới đây nhất là tân Thủ tướng David Cameron. Đó là chưa kể 2 Thủ tướng của Bắc Ireland: Terence O’Neill (1963 -1969), James Chichester-Clark (1969-1971), và đương kim Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.

 Học sinh của Trường Eton. Ảnh: EtonCollege

Với việc duy trì những qui tắc tồn tại trong nhiều thế kỷ qua, Trường Eton luôn chú trọng tính kỷ luật. Theo Palash Dave, cựu học sinh của trường những năm 1980, những cậu bé vào học ngôi trường này đều mang theo linh cảm sẽ trở thành nhà lãnh đạo mai sau. Palish cho rằng điểm khác biệt của trường Eton là luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân. Mọi học sinh đều được khuyến khích mạnh dạn theo đuổi ước mơ. Nhà trường không ngăn cấm mà trong một chừng mực nào đó còn cổ vũ học sinh tranh cãi do bất đồng ý kiến. Palish tin rằng hình thức đào tạo này rất hữu ích cho những ai tham vọng trở thành nguyên thủ quốc gia.

Tuy nhiên, theo Nick Fraser - tác giả quyển “The Importance of Being Eton” (tạm dịch Tầm quan trọng của Trường Eton), thành công thật sự của Eton chính là môi trường tự do khác thường mà nó tạo cho học sinh. Các thanh thiếu niên được chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự nghiệp chính trị trong tương lai sau khi sớm tập làm quen với vai trò thủ lĩnh các đoàn thể, câu lạc bộ thể thao hay những hoạt động khác. Trong trường, các em tự bầu chọn người giữ trọng trách các hoạt động đoàn thể và tạo sức ảnh hưởng. Vì thế, ngay từ sớm, các học sinh Eton đã tiếp cận với phong cách của người lãnh đạo, thể thức bầu cử và vận động sự ủng hộ của cử tri.

Biên tập viên Ticky Hedley-Dent của tạp chí Tatler Magazine thì cho rằng những người bước ra từ trường Eton đều có chung một điểm đặc trưng, đó là tác phong tự tin tỏa ra từ bên trong. Họ có đặc điểm là luôn có mục tiêu rõ ràng và không bận tâm suy nghĩ của người khác. Bên cạnh đó, họ luôn thể hiện phong thái lịch lãm và chứng tỏ đầu óc nhanh nhạy.

19 Thủ tướng Anh từng học Trường Eton: Robert Walpole, John Bute, George Grenville, Frederick North, William Pitt, William Grenville, George Canning, Arthur Wellesley, Charles Grey, William Melbourne Edward Derby, William Gladstone, Robert Sailsbury, Archibald Rosebery, Arthur Balfour, Anthony Eden, Harold Macmillan, Alec Douglas-Home và David Cameron.

Có thời gian nhiều người ganh tị khi học sinh tốt nghiệp trường Eton được ưu ái quá nhiều. Tiến sĩ Joe Spence, giảng viên Đại học Dulwich đồng thời là cựu giáo viên trường Eton, cũng công nhận điều đó. Trong thập niên 1980-1990, cái mác học sinh Eton còn khiến một số chính trị gia gặp khó khăn và thời hoàng kim của Eton tưởng chừng như chấm hết. Mãi cho đến gần đây khi ông Cameron trở thành thủ lĩnh Đảng Bảo thủ và nay là Thủ tướng Anh, bình minh mới ló dạng trở lại. Nhà lãnh đạo này đã cất nhắc 13 người từng học trường Eton vào những vị trí chủ chốt trong nội các.

BẢO TRÂM (Theo BBC, Suit101.com, EtonCollege)

Chia sẻ bài viết