30/11/2018 - 08:49

Trung Quốc thách thức sự thống trị của GPS 

Trung Quốc đang chi ít nhất 9 tỉ USD để xây dựng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu nhằm chấm dứt phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng, theo Bloomberg.


2 trong số các vệ tinh của Bắc Đẩu. Ảnh: Xinhua

Lâu nay, dữ liệu định vị phát từ các vệ tinh GPS được dùng cho điện thoại thông minh, hệ thống điều hướng của xe hơi và tên lửa dẫn đường. Tất cả những vệ tinh đó đều do Không quân Mỹ kiểm soát, khiến Chính phủ Trung Quốc không thoải mái. Vì vậy, Bắc Kinh từ những năm 1990 đã bắt đầu phát triển Bắc Đẩu, hệ thống thay thế GPS và được xem là một trong những chương trình không gian lớn nhất mà Trung Quốc từng thực hiện. “Họ không muốn phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ. Người Trung Quốc không muốn thứ mà chúng ta có thể tắt đi” - Marshall Kaplan, giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Maryland, cho hay.

Bloomberg nhận định, Bắc Đẩu, vốn đang phục vụ cho Trung Quốc và một số nước láng giềng, sẽ mở rộng ra toàn cầu vào năm 2020 như một phần trong chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm biến nước này thành “ông trùm” về thế hệ công nghệ tiếp theo. Việc xây dựng Bắc Đẩu đang tiến gần thời kỳ quan trọng với ít nhất 18 vệ tinh được phóng đi trong năm nay, trong đó gồm 3 vệ tinh được phóng đi trong tháng này, nâng tổng số vệ tinh đang hoạt động lên 40. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch phóng thêm 11 vệ tinh trước năm 2020.

Bắc Đẩu là yếu tố quan trọng trong chiến lược đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm thay thế sự thống trị của phương Tây trong ngành hàng không vũ trụ. Văn phòng Điều hướng Vệ tinh Trung Quốc dự đoán, Bắc Đẩu sẽ là cốt lõi của một ngành công nghiệp có doanh thu 400 tỉ nhân dân tệ (57 tỉ USD) vào năm 2020. Ngoài ra, Bắc Đẩu còn có tiềm năng xuất khẩu như một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc nhằm xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế thông qua việc tài trợ phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở các nước khác.

Trước viễn cảnh trên, NavInfo Co., nhà sản xuất bản đồ điện tử do công ty thương mại điện tử Tencent Holding hậu thuẫn, đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt sản phẩm bán dẫn cho các hệ thống định vị sử dụng Bắc Đẩu vào năm 2020. Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài cũng tăng khả năng tương thích với Bắc Đẩu trong các sản phẩm của mình, gồm các “ông lớn” như Qualcomm - nhà sản xuất chip dùng cho điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, hay hãng điện tử Samsung. Thiết bị từ những hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi cũng hỗ trợ Bắc Đẩu. Hiện các hãng sản xuất xe hơi lớn như Volkswagen (Đức) đang thay đổi thiết bị trong xe để cho phép truy cập Bắc Đẩu, còn hãng Toyota (Nhật Bản) thì đang thảo luận với các doanh nghiệp khác về Bắc Đẩu.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung Quốc