TRÍ VĂN
Hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân mạnh thứ hai thế giới khi sở hữu 2 tàu sân bay đang hoạt động và một tàu khác được hạ thủy hồi tháng 6, đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu phi công lái chiến đấu cơ.
Phi công Hải quân PLA trong một buổi huấn luyện. Ảnh: SCMP
Công nghệ mới nhiều thách thức
Theo tạp chí quân sự Ordnance Industry Science Technology của Trung Quốc, kể từ khi đưa vào vận hành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đơn vị này trong thập niên qua đã đẩy nhanh các chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Theo đó, sau khi thành lập Ðại học Hàng không Hải quân, Hải quân PLA năm 2017 bắt đầu đào tạo phi công riêng, thay vì chọn các ứng viên đủ tiêu chuẩn từ lực lượng không quân. Ðài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay đơn vị này đã trực tiếp tuyển chọn các học viên tốt nghiệp trung học từ 16-19 tuổi kể từ năm 2020. Hiện độ tuổi trung bình của thế hệ học viên mới nhất là 20, trẻ hơn ít nhất 10 tuổi so với những thế hệ trước.
Thế nhưng, việc thiếu máy bay huấn luyện được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động trên tàu sân bay đã gây khó cho nỗ lực trên. Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, cho biết sau khi Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và tiên tiến nhất của Trung Quốc, bắt đầu được thử nghiệm trên biển cách đây không lâu, Hải quân PLA cần ít nhất 200 phi công lành nghề để vận hành 130 máy bay trên tàu. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, tương tự như tàu sân bay lớp Gerald R Ford của Mỹ, tàu Phúc Kiến được trang bị máy phóng điện từ tiên tiến, trong khi 2 tàu Liêu Ninh và Sơn Ðông có đường băng cất cánh dạng “nhảy cầu”, không sử dụng các hệ thống phóng máy bay hiện đại. Do đó, Hải quân PLA sẽ phải thích ứng với hệ thống phóng và hạ cánh máy bay mới. “Chính công nghệ mới này đã mang lại nhiều thách thức, bởi thiết kế máy bay và đào tạo phi công là những công nghệ lõi phức tạp nhất thế giới mà không ai muốn chia sẻ” - ông Li phân tích.
Cần thêm một thập niên nữa
SCMP cho hay, các phi công Hải quân PLA thường sử dụng JL-9G, loại máy bay 2 chỗ ngồi một động cơ được ra mắt lần đầu vào năm 2011, chủ yếu là để phục vụ hoạt động huấn luyện. Tuy nhiên, nó không thể mô phỏng tình huống hạ cánh khẩn cấp trên sàn đáp bởi do quá nhẹ và chậm chạp - nhược điểm cho thấy JL-9G chỉ giới hạn trong hoạt động huấn luyện tàu sân bay mô phỏng trên đất liền.
Trong khi đó, quân đội Mỹ trong vài thập niên qua đã sử dụng máy bay phản lực huấn luyện T-45 Goshawk để đào tạo học viên phi công. Hiện Mỹ thậm chí còn phát triển một phiên bản tiên tiến hơn gọi là T-7A Red Hawk, được trang bị động cơ phản lực đốt sau General Electric F404 mạnh mẽ hơn, giúp cho việc huấn luyện phi công trên tàu đạt hiệu quả hơn.
Mặt khác, Trung Quốc sở hữu dòng máy bay chiến đấu trên tàu duy nhất là J-15 Flying Shark, với 2 động cơ một chỗ ngồi, được mệnh danh là máy bay chiến đấu trên tàu sân bay nặng nhất thế giới. J-15 Flying Shark có trọng lượng rỗng khoảng 19,3 tấn và tốc độ tối đa hơn 2.960 km/giờ, trong khi tổng trọng lượng của JL-9G chỉ khoảng 7,8 tấn và tốc độ tối đa 1.295 km/giờ. Tạp chí Ordnance Industry Science Technology cho rằng do Hải quân PLA không sở hữu máy bay huấn luyện như T-45 của Mỹ, quá trình đào tạo phi công vì vậy hoàn toàn dựa vào J-15, từ đó đặt ra một thách thức lớn trong việc cải thiện kỹ năng bay (vì không có huấn luyện viên ngồi sau).
Trong bối cảnh như vậy, Zhou Chenming, chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang tại Bắc Kinh, nhận định: “Các phi công Trung Quốc trên tàu Phúc Kiến có thể cần thêm một thập kỷ nữa để đạt được yêu cầu cơ bản về khả năng sẵn sàng phối hợp tác chiến và vẫn còn một khoảng cách lớn để Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ, quốc gia có kinh nghiệm hàng thế kỷ với hàng không mẫu hạm.”