11/06/2017 - 19:59

Trung Quốc đổ tiền củng cố vị thế ở châu Phi

Tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc hiện đang tiến sâu vào châu Phi trong bối cảnh các cường quốc phương Tây rút khỏi lục địa đen. Nhằm củng cố vị thế của mình và tránh bị chỉ trích là "thực dân mới", Trung Quốc đang đổ hàng chục tỉ USD vào cơ sở hạ tầng và giáo dục ở châu Phi.

Tại Đại học Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi được thể hiện một cách rõ ràng. Michael Dizha đến từ Zimbabwe được tài trợ toàn bộ học phí, chi phí ăn ở và các sinh hoạt phí khác nhờ nhận được học bổng Khổng Tử. Dizha cho biết mục đích của anh là trở thành một người môi giới khi kết thúc khóa học tại đây. "Tôi đang học tiếng và văn hóa Trung Quốc. Vì vậy tôi có thể giúp cho đồng bào của tôi hiểu rõ những gì người Trung Quốc đang làm trong bối cảnh ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Zimbabwe" - Dizha nói.

Các sinh viên châu Phi học tại Đại học Nhân dân theo học bổng Khổng Tử. Ảnh: ABC News

Sadson Mkumira, bạn cùng phòng và là đồng hương của Dizha, thì nói rằng những sinh viên châu Phi đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa Trung Quốc và châu Phi. Mkumira hy vọng sẽ thuyết phục thêm nhiều nhà đầu tư đến Zimbabwe.

Trong khi đó, Harriet Kariuki đến từ Kenya và đang theo học tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh, xem Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất do mô hình phát triển của nước này đã giúp hơn nửa tỉ người thoát khỏi đói nghèo.

Hiện 60.000 sinh viên châu Phi đang nhận học bổng Khổng Tử và con số này dự kiến sẽ đạt 100.000 trong 3 năm tới.

Giới phân tích cho rằng học bổng Khổng Tử là một chính sách quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh quyền lực mềm của Trung Quốc vào châu Phi. Nó được xem là cách để Trung Quốc ràng buộc các thế hệ kế cận của châu Phi. Đến nay, chiến lược này đã gặt hái một số thành công nhất định. Kết quả thăm dò gần đây từ Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, 75% người dân châu Phi có cái nhìn thiện cảm về sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đang rất cần nguồn nguyên liệu của châu Phi để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Và để đạt được những gì mình muốn, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đổ thêm 60 tỉ USD để xây dựng đường giao thông, bến cảng, đường ống dẫn dầu khí và mạng lưới thông tin liên lạc ở châu Phi.

Kể từ năm 2009, châu Phi đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc và là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho nước này. Riêng Namibia cung cấp uranium cho Trung Quốc để giúp nước này trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, quặng sắt, đồng, kẽm, kim cương cũng "chảy" ra khỏi lục địa đen để đến Trung Quốc. Theo ABC News, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-châu Phi đã tăng gấp 40 lần trong vòng 20 năm qua, đạt gần 300 tỉ USD năm 2015, theo China Daily.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết