02/09/2016 - 17:34

Trung Quốc chuẩn bị hội nghị G20

Với quyết tâm tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp chuẩn bị, từ đóng cửa nhà máy ô nhiễm cho đến siết chặt an ninh.

"Di tản" dân cư

Hội nghị G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9 tại thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang). Bầu trời Hàng Châu trong sạch khi 225 nhà máy gây ô nhiễm buộc phải đóng cửa hoặc di dời trong thời gian diễn ra sự kiện quốc tế này. Các thành phố lân cận như Hoàng Sơn, An Khánh, Nghĩa Ô và thậm chí Thượng Hải cũng ra lệnh đóng cửa các nhà máy của họ. Giao thông ở Hàng Châu cũng bị hạn chế, khi phân nửa xe cộ của thành phố đã bị cấm lăn bánh từ hôm 28-8. Báo China Daily cho biết giới hạn trên của mật độ hạt PM2,5 - một trong những hạt ô nhiễm nhất - đã được đặt ra ở mức 35 microgram/m3 trong thời gian diễn ra G20. Năm 2014, mật độ trung bình PM2,5 ở Hàng Châu là 66,1 microgram/m3.

Bảng hiệu chào đón hội nghị G20 ở Trung Quốc. Ảnh: inusanews.com

Chính quyền dành cho nhân viên trong các cơ quan chính phủ và công ty tư nhân cũng như người dân địa phương 7 ngày nghỉ phép để đi du lịch và đưa ra những chương trình du lịch khuyến mãi đến các địa điểm bên ngoài thành phố để đảm bảo Hàng Châu không xảy ra tình trạng kẹt xe và đông người. Trong khi đó, nhiều công nhân nhập cư cũng được yêu cầu tạm rời thành phố này. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng buộc hàng ngàn người dân rời khỏi các căn hộ cao cấp của họ gần trung tâm hội nghị nhằm giảm thiểu rủi ro các cuộc biểu tình hoặc tấn công. Các tòa nhà cao tầng cũng bị niêm phong bằng băng keo để đề phòng các vụ bắn tỉa. Còn theo Thời báo Hoàn Cầu, tại những địa điểm thu hút khách du lịch như hồ nước ngọt Tây Hồ, cứ 5-10m sẽ có các cảnh sát và nhân viên an ninh đóng chốt. "An ninh ngày càng thắt chặt"- phóng viên Andrew Stevens của hãng tin CNN nhận định. Theo Stevens, nhóm phóng viên của anh nhiều lần bị cảnh sát địa phương chặn lại yêu cầu xuất trình giấy phép.

Khuếch trương công nghệ

Sự kiện ở Hàng Châu sắp tới sẽ là hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc, nhưng là lần thứ hai ở châu Á kể từ năm 2008. Hội nghị này có sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull...

Có những thắc mắc về việc giới chức Trung Quốc tổ chức hội nghị G20 ở Hàng Châu thay vì ở Bắc Kinh hay các thành phố lớn khác. Theo CNN, Hàng Châu được chọn tổ chức không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên của nó, mà còn vì thành phố này là biểu tượng cho dấu mốc chuyển tiếp của Trung Quốc từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế công nghệ cao. Thành phố này có khoảng 9 triệu dân, cách thành phố lớn Thượng Hải 180km về phía Tây Nam.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - một trong những công ty lớn nhất và công ty khởi nghiệp thành công nhất của Trung Quốc - được thành lập tại Hàng Châu. Đây cũng là quê hương của nhà sáng lập Alibaba Jack Ma (Mã Vân). Chính ứng dụng thanh toán di động Alipay của Alibaba đã thay đổi cách mua sắm của người dân Trung Quốc. Với ứng dụng Alipay, người tiêu dùng có thể dễ dàng thanh toán tiền mua hàng thậm chí ở những hàng quán đường phố nhỏ nhất và những người bán trái cây dạo bằng cách thực hiện thao tác quét điện thoại thông minh. Jack Ma từng chia sẻ trên trang tin tức Alizila rằng: "Chúng tôi là thành phố thông minh, dù chỉ chưa đến 9 triệu dân nhưng Hàng Châu mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc". Chủ tịch Tập Cận Bình từng sống ở Hàng Châu trong 5 năm khi ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang. Đó là quãng thời gian mà Chủ tịch Tập cho là đáng nhớ đối với ông.

THANH BÌNH (Theo CNN, NY Times)

Chia sẻ bài viết