02/06/2024 - 13:42

Trung Quốc cẩn trọng trong quan hệ với Nga và Mỹ 

Chuyến thăm Trung Quốc hồi trung tuần tháng 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, nên bất kỳ chỉ dấu quan trọng nào trong chuyến thăm đều được các nhà phân tích đánh giá.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chiêu đãi tiệc trà thân mật Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Xinhua

Ngoài yếu tố Trung Quốc là điểm đến nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm hôm 7-5, chuyến công du của ông chủ Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm ngăn chặn Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Mát-xcơ-va giữa lúc Washington và các đồng minh không ngừng tìm cách ngăn chặn tham vọng cạnh tranh vị thế toàn cầu của Trung Quốc. 

Không còn “đối tác không giới hạn”

Tại hội đàm với Tổng thống Putin kéo dài khoảng 2 giờ ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16-5, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Nga là “cột mốc quan trọng” trong lịch sử quan hệ Trung - Nga và tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng luôn là láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt, tin cậy lẫn nhau với Nga”.

“Với nỗ lực chung của 2 bên, quan hệ Trung - Nga đã và đang phát triển ổn định. Hai nước tăng cường phối hợp chiến lược toàn diện và hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực khác”, ông Tập khẳng định, đồng thời nhấn mạnh quan hệ Trung - Nga “có lợi cho hòa bình” và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nga để  “bảo vệ chính nghĩa, sự công bằng trên thế giới”.

Trong khi đó, ông Putin ca ngợi mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước và đánh giá quan hệ chiến lược Nga - Trung là “một trong những yếu tố mang lại ổn định chính trên trường quốc tế”. “Điều quan trọng là mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không mang tính cơ hội và không nhắm vào bất kỳ ai”, ông chủ Điện Kremlin nêu rõ.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đưa ra tuyên bố chung về “tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước”. Tổng thống Putin cho biết tuyên bố chung đặt ra những nhiệm vụ đầy tham vọng mới và các mục tiêu dài hạn cho sự phát triển của toàn bộ mối quan hệ Nga - Trung. 

Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây chỉ ra rằng tuyên bố chung năm 2024 Trung - Nga một lần nữa không nhắc đến cụm từ “đối tác không giới hạn” như tuyên bố năm 2022. Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin vào tháng 2-2022 nhân dịp tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh và vài ngày trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ “đối tác không giới hạn, không có vùng cấm hợp tác” giữa 2 nước.

Trong chuyến thăm Mát-xcơ-va vào tháng 3 năm 2023, ông Tập Cận Bình Tập chỉ tuyên bố chuyến đi mở ra một “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ Nga - Trung. Lần gần nhất vào tháng 10-2023, khi Tổng thống Putin đến thăm Bắc Kinh, ông Tập nói về “tình hữu nghị sâu sắc” giữa 2 nhà lãnh đạo khi họ đã gặp nhau 42 lần trong thập kỷ trước.

Việc 2 nhà lãnh đạo Nga - Trung không còn nhắc lại cụm từ “đối tác không giới hạn” được giới phân tích đánh giá là chỉ dấu cho thấy 2 nước không thể vượt qua những rào cản từ chính bản thân lợi ích của 2 nước cũng như áp lực bao vây cấm vận từ phương Tây liên quan đến cuộc chiến Ukraine.

Nga chịu lép vế thương mại

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, ông Putin chỉ ra rằng trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Nga - Trung đã đạt mức kỷ lục 240 tỉ USD, qua đó Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga suốt 14 năm qua. Ông Putin cho hay có tới 90% kim ngạch thương mại giữa 2 nước được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính sách thanh toán bằng đồng rúp và nhân dân tệ.

Tuy nhiên, trong thương mại với Trung Quốc Nga chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu các sản phẩm điện tử, thiết bị và máy móc. Năm 2023, máy móc và điện tử từ Trung Quốc chiếm 65-70% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Nga. Thậm chí, theo thông tin từ Mỹ, Nga nhập khẩu khoảng 90% sản phẩm vi điện tử từ Trung Quốc.

Trong khi đó, lượng dầu thô của Nga đến Trung Quốc, bao gồm cả qua đường ống theo hợp đồng dài hạn, đã tăng 25%, lên mức kỷ lục 2,14 triệu thùng/ngày năm 2023, khiến Mát-xcơ-va trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Bắc Kinh trong năm thứ hai liên tiếp. Dù vậy, dữ liệu do hãng tin Reuters phân tích cho thấy Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 4,34 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2023 khi mua dầu Nga với giá rẻ. Về khí đốt, Tập đoàn Gazprom đã tăng xuất khẩu qua đường ống Power of Siberia đến Trung Quốc thêm 47%, từ mức 15,4 tỉ mét khối (BCM) năm 2022 lên 22,7 BCM năm 2023. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30 BCM năm 2024 và 38 BCM năm 2025. Thế nhưng, hãng Bloomberg hồi tháng 4-2024 cho biết giá khí đốt của Nga cung cấp cho Trung Quốc thấp hơn 28% so với thị trường châu Âu cho đến ít nhất vào năm 2027.

Ngoài ra, Gazprom còn cung cấp cho Trung Quốc 10 BCM qua đường ống khí đốt Viễn Đông theo hợp đồng dài hạn được ký kết vào năm 2022, đồng thời đang thảo luận xây dựng đường ống Power of Siberia 2 có thể cung cấp thêm 50 BCM/năm. 

Trung Quốc ngại bị trừng phạt

Tháng 12-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh cho phép trừng phạt gián tiếp ngân hàng nước ngoài nào liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga, loại những tổ chức này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Đây được coi là một trong những động thái quyết liệt của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trung Quốc luôn khẳng định là bên trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine, điều này cũng đồng nghĩa Bắc Kinh không thể hỗ trợ Mát-xcơ-va trên lĩnh vực quân sự. Có điều hầu như bất kỳ danh mục nào, từ các bộ phận điện tử đến ô tô mà Nga nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được coi là sản phẩm lưỡng dụng cho cả dân sự lẫn quân sự. Vì thế, các ngân hàng Trung Quốc, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đều phải thận trọng trong việc cung cấp dịch vụ liên quan đến các đối tác Nga.

Tính đến tháng 12 năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc sang Nga đạt hơn 600 triệu USD/tháng. Tuy nhiên, con số này sau đó giảm còn hơn 300 triệu USD/tháng. Số liệu thống kê của Trung Quốc hồi tháng 3-2024 cho thấy xuất khẩu của nước này sang Nga giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ giữa năm 2022, chủ yếu do sự suy giảm mạnh của các mặt hàng thiết bị máy móc và điện tử. Đến tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga lại giảm tiếp 14%. Vài tháng qua, các doanh nghiệp Nga cũng phàn nàn rằng họ gặp vấn đề khi thanh toán cho bất kỳ hàng hóa nào chứ không riêng gì các sản phẩm là mục tiêu trừng phạt của phương Tây.

Tin các công ty Nga đang gặp khó khăn trong việc thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga vào đầu năm nay. Chính phủ Nga đã thừa nhận vấn đề này vào tháng 2 và người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov chỉ trích áp lực “chưa từng có” của Mỹ đối với Trung Quốc. Bắc Kinh chưa công khai thừa nhận sự chậm trễ trong giao dịch nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ phản đối “các biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp của Mỹ”. Một tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh hồi tháng 5 công bố báo cáo cho biết có tới 80% giao dịch giữa các ngân hàng Trung Quốc và Nga hồi tháng 3 phải bị hoãn vì liên quan đến cấm vận của Mỹ.

Dù lên tiếng phản đối mối đe dọa trừng phạt của Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn phải “cân đo đong đếm” lợi ích trong quan hệ thương mại với Nga và nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Putin giải thích lý do chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức qua cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã. “Chính mức độ hợp tác chiến lược cao chưa từng có giữa 2 nước đã quyết định việc tôi lựa chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức tổng thống”. Ông Putin cũng ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là người đã giúp xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược” với Nga dựa trên lợi ích quốc gia và sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc. “Chúng ta sẽ cố gắng thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao, vũ trụ và năng lượng hạt nhân hòa bình, trí tuệ nhân tạo, nguồn năng lượng tái tạo và các lĩnh vực đổi mới khác”, ông Putin cho biết.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung QuốcNgaMỹ