14/10/2020 - 05:54

Trung Quốc “cấm cửa” than Úc? 

Thông qua các kênh ngoại giao, giới chức Úc đang làm rõ thực hư việc Trung Quốc đang chỉ thị các công ty trong nước ngừng nhập khẩu than từ quốc gia châu Đại dương như đòn trả đũa chính trị.

Rộ tin các cảng Trung Quốc bị cấm nhập than từ Úc. Ảnh: AFP

Rộ tin các cảng Trung Quốc bị cấm nhập than từ Úc. Ảnh: AFP

Than là một trong 3 mặt hàng xuất khẩu lớn của Úc sang Trung Quốc, sau quặng sắt và khí tự nhiên hóa lỏng. Ngành công nghiệp này mang về cho xứ chuột túi khoảng 10 tỉ USD mỗi năm. Nhưng tính từ đầu năm 2020 đến nay, lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Úc đã giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Dẫn nhiều nguồn tin giấu tên, các trang tin uy tín về thị trường hàng hóa tiết lộ Bắc Kinh đã “chỉ thị bằng miệng” cho các nhà máy thép, công ty điện lực và doanh nghiệp quốc doanh, yêu cầu họ ngừng mua than của Úc. Nếu báo cáo trên là chính xác, lệnh cấm này có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế Úc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên và đang rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong gần 30 năm qua. Nó đồng thời là đòn giáng mạnh đối với chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Scott Morrison vốn thúc đẩy ngành công nghiệp than đang chững lại để đổi lấy ủng hộ chính trị ở các vùng quan trọng.

Phát biểu với trang tin Sky News, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham xác nhận đây không phải lần đầu tiên xảy ra gián đoạn về xuất khẩu than vào Trung Quốc. Lần gần đây nhất là vào tháng 3-2019 khi có báo cáo về việc Bắc Kinh chậm thông quan đối với các chuyến hàng từ Úc. Nhưng trước suy đoán về lệnh cấm nhập khẩu không chính thức, Bộ trưởng Birmingham nói thêm rằng ông đã thảo luận với ngành công nghiệp xuất khẩu than trong nước và liên lạc với nhà chức trách Trung Quốc để đảm bảo Bắc Kinh tôn trọng Hiệp định thương mại tự do Úc - Trung Quốc cũng như tuân thủ nghĩa vụ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp khó khi quan hệ song phương đang rơi vào tình trạng đóng băng sau hàng loạt căng thẳng nghiêm trọng kể từ thời điểm Canberra lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Trong động thái được cho là nhằm trả đũa, Trung Quốc sau đó áp thuế lên hàng hóa Úc và khuyến cáo công dân, sinh viên không nên đến đây.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, sẽ phải mất vài tháng để xác định xem Bắc Kinh nghiêm túc với lệnh cấm nhập khẩu than nhằm gia tăng áp lực chính trị hay đây chỉ là một phần trong kế hoạch cắt giảm nhập khẩu để hỗ trợ các công ty khai thác trong nước. Thực tế, than vẫn là mặt hàng mà Trung Quốc ít phụ thuộc nhất khi có nhiều lựa chọn về nguồn cung thay thế. Đổi lại, một lệnh trả đũa cấm xuất khẩu quặng sắt từ Úc sẽ tác động lớn hơn khi Canberra cung cấp khoảng 68% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc và hoàn toàn không có nguồn cung nào khác có thể bù đắp sự thiếu hụt này nếu các chuyến hàng bị tạm dừng.

Pháp chỉ định đại sứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Kể từ ngày 20-10, đại sứ Pháp tại Ireland Jean-Pierre Thebault sẽ đảm nhiệm vị trí đại sứ ở Úc, thay cho ông Christophe Penot được chỉ định làm đại sứ đầu tiên của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái này thể hiện quan điểm cứng rắn của Pháp khi họ đang cùng Đức vận động Liên minh châu Âu thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc giữa thời điểm quan ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực ngày càng gia tăng.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết