12/06/2014 - 16:10

Trung Quốc bị tố mua ảnh hưởng tại Đại học Cambridge

Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và con gái Ôn Như Thuần (hàng đầu). Ảnh: ycwb.com

Điều tra mới đây của báo Telegraph cho biết gia đình cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bị tình nghi đã chi hàng triệu bảng để mua ảnh hưởng tại Đại học Cambridge.

Theo đó, quỹ Chong Hua đã chi 3,7 triệu bảng cho đại học Cambridge để tài trợ cho một chức danh giáo sư chuyên về nghiên cứu phát triển Trung Quốc. Khoản tiền đóng góp khổng lồ này được chuyển vào tháng 1-2012 và làm rộ lên nhiều nghi vấn cho rằng Bắc Kinh đang mua ảnh hưởng tại một trong những trường đại học quan trọng nhất nước Anh. Điều này có thể đã cho phép Chính phủ Trung Quốc "chỉ định một giáo sư tại Cambridge" - theo Guardian.

Viện đại học hàng đầu của xứ sở sương mù từng phủ nhận mối quan hệ giữa Chong Hua và Bắc Kinh nhưng các chứng cứ mới của Telegraph cho thấy tổ chức này được điều hành bởi Ôn Như Thuần, "con gái rượu" của cựu Thủ tướng. Tại Trung Quốc, họ Ôn được xếp vào danh sách những "gia đình đỏ" quyền lực nhất đất nước. Theo ước tính của Telegraph, gia đình họ Ôn "tích góp" được khoảng 2,3 tỉ USD nhờ tiếp cận hệ thống ngân hàng và kinh tế Trung Quốc từ thập niên 1980. Bà Ôn Như Thuần cũng là người giữ vị trí cấp cao trong Cơ quan Quản lý ngoại hối chính phủ. Bà này từng là sinh viên của Giáo sư Peter Nolan, người được bổ nhiệm nghiên cứu phát triển Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Khoa Chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Cambridge. Trung tâm này được thành lập sau khi trường nhận được khoản tài trợ từ Chong Hua.

Đại học Cambridge hôm 10-6 tiếp tục phủ nhận sự liên quan đến Chính phủ Trung Quốc và chỉ xác định rằng khoản tiền hiến tặng được đăng ký ủy thác tại Bermuda, nơi luật không đòi hỏi công bố danh tính người ủy thác.

Các giải thích trên đều không làm hài lòng các học giả có quan ngại về sự quyên góp này cũng như tính độc lập về học thuật tại Cambridge. "Điều này dường như cho thấy một chính phủ ngoại quốc đã bổ nhiệm một giáo sư chính trị tại Cambridge", một học giả bày tỏ. Vị này cũng lo ngại "Làm sao Cambridge có thể chứng tỏ được sự độc lập trong học thuật nếu như tiền của quỹ từ thiện trên có từ gia đình của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc trong hơn 1 thập niên, và nếu tổ chức trên có thể chỉ định người đứng đầu (một đơn vị trong trường)". Và nghi vấn về việc mua "quyền lực mềm" của Trung Quốc tại các trường đại học Anh cũng được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Hiệp hội cố vấn Henry Jackson tại Luân Đôn hôm 11-6.

Trước các cáo buộc trên, con gái ông Ôn Gia Bảo và Giáo sư Nolan đều chưa đưa ra bình luận gì. Được biết, bà này trước đây từng dính nghi án nhận "lót tay" phí tư vấn 1,1 triệu bảng từ ngân hàng đầu tư JP Morgan (Mỹ) giai đoạn 2006-2008 khi ngân hàng này tìm cách nâng vị thế của mình tại thị trường Trung Quốc.

THUẬN HẢI
(Theo Telegraph, Want China Times)

Chia sẻ bài viết