Hôm 18-6, Hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng cần chuẩn bị cho khả năng “đối thoại lẫn đối đầu” với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Chủ tịch Kim Jong Un (giữa) trong cuộc họp hôm 17-6.
Ðường hướng chiến lược trên được Chủ tịch Kim đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 8. Tại cuộc họp, ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị các đối sách chiến lược và chiến thuật phù hợp cũng như các hoạt động cần duy trì trước xu hướng chính sách của chính quyền mới tại Mỹ. Theo đó, Bình Nhưỡng một mặt sẵn sàng cho chương trình đối thoại đồng thời chuẩn bị đầy đủ đối phó nguy cơ đối đầu trong nhiệm vụ bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia, đảm bảo môi trường phát triển hòa bình. Ngoài ra, Triều Tiên cần có phản ứng nhanh chóng và kịp thời, đối phó với tình huống thay đổi nhanh chóng trong nỗ lực kiểm soát ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Sách lược của Bình Nhưỡng
Thông điệp của ông Kim được đưa ra giữa thời điểm đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Sung Kim, chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc vào cuối tuần này để tham gia cuộc đàm phán ba bên với đối tác nước chủ nhà và Nhật Bản. Trước đó, quốc gia Ðông Bắc Á đã chỉ trích Tổng thống Biden theo đuổi “chính sách thù địch” và cảnh báo đây là một “sai lầm lớn” để đáp trả tuyên bố của lãnh đạo Mỹ mô tả Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh toàn cầu, rằng Nhà Trắng cần đối phó nguy cơ từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua ngoại giao kết hợp các biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý việc Chủ tịch Kim Jong Un hạn chế ngôn ngữ thù địch trong phát biểu đầu tiên về chính quyền Biden cho thấy cách tiếp cận hai chiều của Bình Nhưỡng, tập trung tăng cường năng lực quân sự và chuẩn bị khả năng đối thoại trong khuôn khổ rộng rãi. Tình huống nước này quay lại bàn đàm phán, nhà phân tích Cheong Seong-Chang tại Viện Sejong (Hàn Quốc) cho rằng chính quyền Kim nhất định không chấp nhận lời kêu gọi phi hạt nhân hóa ngay lập tức. Thay vào đó, họ có thể đồng ý đóng băng hoặc cắt giảm một phần kho vũ khí hạt nhân theo từng bước nếu chính quyền Biden rút lại chính sách thù địch, bao gồm nới lỏng trừng phạt và đình chỉ các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.
Washington điều chỉnh cách tiếp cận thực tế
Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã hoàn thành việc xem xét lại chính sách về Triều Tiên. Các chi tiết đến nay chưa được công bố, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang tìm cách dung hòa sách lược kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama và đối thoại trực tiếp dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mục tiêu là đạt được tiến bộ thực tế, hướng tới việc phi hạt nhân hóa hòa toàn bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng hồi tháng rồi, ông Biden cũng nói rõ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên trừ khi có một kế hoạch cụ thể cho tiến trình đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngầm chỉ trích sách lược của người tiền nhiệm Trump không đạt nhiều tiến triển dù hai lần gặp gỡ trực tiếp ông Kim Jong Un, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không để lãnh đạo Triều Tiên như mong muốn có được sự công nhận của quốc tế đối với chương trình hạt nhân trong nước.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 4, các chuyên gia tình báo Mỹ dự đoán Triều Tiên sắp tới có thể tiếp tục những hành vi gây bất ổn, chẳng hạn tái khởi động các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) để buộc chính quyền Biden quay lại bàn đàm phán. Diễn biến này có thể gây mất ổn định trật tự quốc tế, định hình lại môi trường an ninh khu vực và gây sức ép lên mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh. Ðầu tuần này, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã thúc giục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, quay lại đối thoại và tôn trọng các điều kiện nhân quyền.
MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)