12/03/2021 - 09:46

Trẻ tị nạn Syria không muốn hồi hương 

Tuần tới đánh dấu 10 năm kể từ khi các cuộc biểu tình trên khắp Syria biến thành xung đột đẫm máu, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu trẻ em và gia đình phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời tàn phá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quốc gia Trung Ðông này.

Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở Lebanon. Ảnh: Save the Children

Trong bối cảnh đó, báo cáo của tổ chức nhân đạo Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) phát hiện, sau 10 năm nổ ra chiến tranh, đại đa số trong số 1.900 trẻ em Syria tuổi từ 13-17 được khảo sát không hình dung được tương lai của chúng ở đất nước mình. Có tới 86% trẻ em tị nạn Syria ở Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cho biết không muốn trở về quê hương, trong khi cứ 3 em phải di tản bên trong Syria thì có một em muốn sống ở một quốc gia khác. Ðã có khoảng 6,6 triệu trẻ em Syria bị buộc chạy tị nạn ở nước ngoài và 6,1 triệu trẻ khác lánh nạn trong nước.

Tương lai bất định

Theo Save the Children, những đứa trẻ buộc phải rời quê hương đang phải vật lộn để có được cảm giác an toàn nơi xứ người. Hai trong số 5 trẻ được khảo sát cho biết phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và không được học hành. Một số em còn không có định hướng gì về tương lai. Mọi khía cạnh cuộc sống của các em đều bị ảnh hưởng, khiến chúng mất đi nguồn cội và không có cảm giác thật sự về ngôi nhà của mình.

Trong số trẻ em được khảo sát, chỉ 3% trẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ, 9% ở Jordan và Hà Lan, và 29% ở Lebanon muốn quay trở lại Syria. Mong muốn lớn nhất của các em trong tương lai là chấm dứt bạo lực ở Syria và được đến trường. Ðáng lo ngại, 44% trẻ cho biết từng bị phân biệt đối xử tại khu phố sinh sống hoặc trong trường học, trong khi có tới 58% trẻ sinh sống tại Syria cho hay bị phân biệt đối xử. Ðặc biệt, 42% số trẻ được hỏi không được đi học, chỉ 31% được đến trường ở Lebanon và 49% ở Jordan.

Lara, 7 tuổi, người cách đây 3 năm buộc phải chạy trốn khỏi thị trấn Maarat al-Numan (tỉnh Idlib) và hiện sinh sống trong một trại tị nạn trong nước, bùi ngùi nói: “Sau 10 năm, tương lai của chúng em đã bị chiến tranh cướp mất. Cuộc sống của chúng em ở Syria rất khó khăn. Ngôi nhà chúng em đã bị phá hủy. Hiện chúng em đang sống tạm bợ trong một căn lều. Ước gì em được sống ở bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Syria, bởi những nơi đó an toàn, có trường học và đồ chơi. Ở đây không an toàn, tiếng chó sủa cũng làm em sợ. Em ở trong lều mà cũng không cảm thấy an toàn”.

Trong số trẻ em tham gia khảo sát, những trẻ phải di dời chỗ ở tại Syria cảm thấy ít được kết nối với cộng đồng so với các trẻ tị nạn ở Jordan hoặc Lebanon. Ðáng chú ý, hơn ¾ người tị nạn Syria được khảo sát mắc các triệu chứng của rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).

Cần môi trường

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 80% người dân Syria sống dưới mức nghèo khổ. Các số liệu gần đây cho thấy có tới 6,2 triệu trẻ em nước này không có thức ăn. Trong khi đó tại Lebanon, nơi chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bùng phát COVID-19 và tác động của vụ nổ ở thủ đô Beirut hồi năm ngoái, 9/10 gia đình tị nạn  Syria đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói.

Trong cuộc khảo sát, các em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được tiếp cận nền giáo dục tốt. “Ước mơ của em là trở thành bác sĩ nhưng em không được đi học. Em ước được đến trường và được như các anh chị em mình. Em không muốn quay lại và sống ở Syria một lần nữa. Em cũng không muốn ở lại Lebanon. Nếu chúng em đến trường, họ bắt nạt chúng em và nói với chúng em rằng họ không muốn nhìn thấy chúng em” - Nada, 17 tuổi, sinh ra ở Syria và hiện sinh sống ở tỉnh Akkar, phía Bắc Lebanon, bày tỏ.

Ngược lại, 70% trẻ em Syria tị nạn ở Hà Lan nhìn thấy một tương lai tích cực và tất cả những em tham gia khảo sát đều được đến trường. Ða số trẻ muốn ở lại Hà Lan là vì chúng được tiếp cận với ngôn ngữ mới, được giáo dục đầy đủ, có cơ hội kinh tế và được tự do.

Do đó, Save the Children kêu gọi tất cả các bên liên quan ra sức bảo vệ trẻ em Syria khỏi bạo lực thể chất và tinh thần. Theo tổ chức này, trẻ em Syria có quyền được lớn lên trong một môi trường mà các em không phải lo sợ về sự an toàn của bản thân, không bị buộc sống trong cảnh bấp bênh và sợ hãi cũng như không bị phân biệt đối xử.

Jeremy Stoner, giám đốc khu vực Trung Ðông và Ðông Âu của Save the Children, bày tỏ: “Dù ở trong hay ngoài lãnh thổ Syria, trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này vẫn đang phải vật lộn để cảm thấy như ở nhà nơi chúng đang ở. Cuộc chiến kéo dài 10 năm này đã cướp đi tuổi thơ của những người trẻ Syria, dẫn đến nỗi sợ hãi và bi quan về khả năng xây dựng cuộc sống tương lai của chúng. Tuy nhiên, thế giới không nên cho phép chiến tranh cướp đi tương lai của chúng. Trẻ em cần cảm thấy an toàn, chúng cần cảm thấy rằng chúng được kết nối với cộng đồng mình đang sống”.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết