27/11/2021 - 08:16

Tranh cãi quanh tân Chủ tịch Interpol 

Bê bối tham nhũng của người tiền nhiệm cùng cáo buộc “lạm dụng quyền lực” của tân Chủ tịch Ahmed Naser al-Raisi (ảnh) có thể tạo ấn tượng không tốt cho Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), giới quan sát lo ngại.

Ảnh: Reuters

Vị trí Chủ tịch Interpol được 192 quốc gia thành viên bỏ phiếu bầu trong kỳ họp của Ðại Hội đồng diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-11, Thiếu tướng al-Raisi của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được 68,9% phiếu bầu đã chiến thắng trong cuộc đua với đối thủ nữ đến từ Cộng hòa Czech Sarka Havrankova.

Theo quy định, Chủ tịch Interpol đóng vai trò giám sát công việc và hướng dẫn phương hướng chung của tổ chức; điều hành các cuộc họp của Ðại Hội đồng và Ủy ban điều hành; duy trì liên lạc trực tiếp và liên tục với tổng thư ký. Trong tuyên bố, Thiếu tướng Raisi cho biết ông rất lấy làm vinh dự khi được bầu vào ban lãnh đạo Interpol và cam kết xây dựng tổ chức “minh bạch, đa dạng, quyết đoán, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”. Vị tân chủ tịch còn đưa ra mục tiêu hiện đại hóa Interpol, thúc đẩy vai trò phụ nữ và giải quyết những thách thức mới như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Trái với những kỳ vọng này, chuyên gia Hiba Zayadin của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) gọi đây là “ngày đáng buồn” đối với công lý quốc tế và chính sách toàn cầu. Ðược biết, Thiếu tướng Raisi gia nhập lực lượng cảnh sát UAE từ năm 1980 và hiện giữ chức tổng thanh tra tại Bộ Nội vụ. Từ khi ứng cử chức Chủ tịch Interpol, truyền thông phương Tây và một số nhân chứng đã đặt nghi vấn đối với uy tín của ông Raisi khi lực lượng hành pháp UAE thường xuyên bị chỉ trích lạm dụng quyền lực. Năm ngoái, 19 nhóm nhân quyền đã lên tiếng phản đối với cảnh báo ông Raisi đắc cử sẽ “làm suy yếu sứ mệnh và uy tín của Interpol; ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của tổ chức này một cách hiệu quả và có thiện chí”. Theo Hãng tin CNN, ông Raisi đang vướng cáo buộc tra tấn, giam giữ tùy tiện và có đơn tố cáo ở 5 quốc gia bao gồm Pháp (quốc gia Interpol đặt trụ sở chính) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ðây không phải lần đầu tiên dư luận chú ý tới vị trí Chủ tịch Interpol. Năm 2018, cơ quan này thu hút sự quan tâm của quốc tế sau án nhận hối lộ 2,1 triệu USD khi còn làm Thứ trưởng Công an Trung Quốc của cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Ông Mạnh được bầu vào năm 2016 và là lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử 95 năm của tổ chức này. Sau khi bị Bắc Kinh bắt và lãnh án hơn 13 năm tù vì tội tham nhũng, ông Mạnh còn bị nghi ngờ tác động lên chính sách của Interpol và tăng quyền cho Ủy ban điều hành trong thời gian giữ chức.

Quan ngại này phần nào khiến các quốc gia thành viên Interpol thận trọng xung quanh việc Hồ Bân Sâm, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc, được bầu vào Ủy ban điều hành. Giữa tháng 11, khoảng 50 nghị sĩ của 20 quốc gia đã trình lên chính phủ nước họ văn kiện phản đối việc đề cử Hồ Bân Sâm. Các nhà lập pháp lo ngại Trung Quốc muốn thông qua Interpol thực thi luật pháp của họ ở nước ngoài và lạm dụng “thông báo đỏ” hoặc hệ thống cảnh báo của tổ chức. Trong nỗ lực phút chót, một nhóm nghị sĩ Úc hôm 23-11 đã ký vào danh sách phản đối ứng viên Hồ Bân Sâm với quan ngại công cụ truy nã quốc tế cũng như những dữ liệu nhạy cảm ở Interpol có thể bị lạm dụng cho mục tiêu chính trị.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết