28/05/2023 - 11:52

Trận chiến địa chính trị mới ở Nam Thái Bình Dương 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong một động thái hiếm hoi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương, Ấn Ðộ và Mỹ hôm 22-5 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song song với 14 quốc đảo tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và các  quốc đảo Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh hôm 22-5. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh giữa Ấn Ðộ, Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng tại Nhật Bản, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden phải trở về nước để giải quyết vấn đề trần nợ công quốc gia. 14 quốc đảo Thái Bình Dương gồm: Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Niue, Nauru, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

Nạn nhân của trò chơi quyền lực toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đề cập đến những thách thức mà các quốc đảo Thái Bình Dương phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan đến sức khỏe và các rào cản đối với việc cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, phân bón và thực phẩm. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á tuyên bố với các thành viên diễn đàn rằng New Delhi sẽ là "đối tác đáng tin cậy" của các quốc đảo tại khu vực. Thủ tướng Modi tuyến bố Ấn Ðộ sẵn sàng chia sẻ khả năng và kinh nghiệm của mình với các quốc đảo Thái Bình Dương "không chút do dự" và đảm bảo với họ rằng "chúng tôi luôn sát cánh cùng các bạn bằng mọi cách". "Ðối với tôi, các bạn không phải là các đảo nhỏ, mà là các quốc gia đại dương rộng lớn. Chính đại dương rộng lớn này đã kết nối Ấn Ðộ với tất cả các bạn", ông Modi nói và tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Ðộ đối với khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thủ tướng Modi cũng đã công bố 12 dự án tại các quốc gia thành viên Diễn đàn hợp tác Ấn Ðộ - các quốc đảo Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ gọi đây là kế hoạch hành động 12 bước trong khuôn khổ chính sách "Hành động hướng Ðông" mà New Delhi tham vọng thực hiện trong thời gian tới. Các dự án bao gồm nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, cung cấp năng lượng tái tạo và an ninh mạng cho các tòa nhà chính phủ, cung cấp thiết bị khử muối cho nước uống, hỗ trợ xe cứu thương, thiết lập đường dây trợ giúp khẩn cấp 24/7, thành lập các trung tâm yoga; trong đó, đáng chú ý là xây dựng siêu bệnh viện chuyên khoa tim mạch ở Fiji và hỗ trợ thành lập các đơn vị lọc máu ở tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương.

Trong cuộc gặp song phương với ông Modi, Thủ tướng Papua New Guinea, James Marape nói rằng các quốc đảo Thái Bình Dương "là nạn nhân của trò chơi quyền lực toàn cầu và họ coi Thủ tướng Modi là "nhà lãnh đạo của Nam bán cầu" và sẽ ủng hộ sự lãnh đạo của New Delhi tại các diễn đàn quốc tế. Nhà lãnh đạo Papua New Guinea nói rằng các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với gánh nặng mà "chiến dịch quân sự đặc biệt" do Nga phát động tại Ukraine mang lại, bởi họ phải "gồng mình" trả tiền nhiên liệu và đóng thuế điện, đồng thời phải chịu hậu quả của cuộc cạnh tranh địa chính trị và tranh giành quyền lực của các nước lớn. Ông kêu gọi Thủ tướng Modi hãy là tiếng nói tích cực cho các quốc đảo tại các diễn đàn toàn cầu như G20 hay G7.

Trong khi đó, ảnh hưởng kinh tế và lợi ích chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương những năm gần đây đã buộc Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến khu vực thông qua việc thiết lập các đại sứ quán hay gia hạn hiệp ước chiến lược. Trong động thái cho thấy Washington ngày càng "quan tâm" đến khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thay mặt Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tại Port Moresby hôm 22-5. Nhân dịp này, Mỹ đã ký với Papua New Guinea một hiệp ước mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Mặc dù nội dung cụ thể của thỏa thuận chưa được công bố, song theo CNN, thỏa thuận quốc phòng mới dự kiến ​​sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của Mỹ với các cơ sở quân sự ở Papua New Guinea, củng cố các mối quan hệ an ninh của Washington tại Nam Thái Bình Dương.

Lợi thế của Ấn Độ tại Nam Thái Bình Dương

Lâu nay, quan hệ đối tác phát triển giữa Ấn Ðộ với các quốc đảo Thái Bình Dương trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và văn hóa. Trong đó, Ấn Ðộ tập trung vào các dự án phát triển cộng đồng như tân trang lại thư viện, các trường học, cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức giáo dục và thiết lập thư viện kỹ thuật số. Sự can dự của Ấn Ðộ vào 14 quốc đảo Thái Bình Dương phù hợp với chính sách "Hành động hướng Ðông" của New Delhi và nước này chủ yếu thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực thông qua viện trợ phát triển.

Là một phần của chính sách "Hành động hướng Ðông", Ấn Ðộ đã thành lập Diễn đàn hợp tác Ấn Ðộ - các quốc đảo Thái Bình Dương và hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Fiji hồi năm 2014. Năm 2015, cuộc họp thứ 2 của diễn đàn được tổ chức tại thành phố Jaipur (Ấn Ðộ). Tại cuộc họp này, nhiều sáng kiến đã được công cố để thúc đẩy sự phát triển và hạnh phúc của người dân.

Bản đồ các quốc đảo Thái Bình Dương.

Lâu nay, Ấn Ðộ hỗ trợ Fiji và Papua New Guinea bằng cách cung cấp loại mực in khó phai cho các cuộc tổng tuyển cử của 2 nước. Ðáng chú ý, Chính phủ Ấn Ðộ tài trợ hoàn toàn chương trình nhân đạo Trại lắp chân giả cho người tàn tật tại Fiji. Trong chương trình này, khoảng 600 người Fiji đã nhận được chân tay giả. Mặt khác, Ấn Ðộ cũng nhiều lần mở rộng chương trình Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa tới các quốc đảo Thái Bình Dương, đồng thời hỗ trợ nhiều nước trong khu vực trong giai đoạn "đỉnh" của đại dịch COVID-19 bằng cách cung cấp vaccine và vật tư y tế.

Ngoài các cam kết song phương, việc thành lập Quỹ Ðối tác Phát triển Ấn Ðộ - Liên Hiệp Quốc hồi năm 2017 có ý nghĩa quan trọng đối với New Delhi. Mục tiêu chính của quỹ là cung cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển, trong đó tập trung cụ thể vào các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo bằng cách hỗ trợ các dự án phát triển bền vững dựa trên nhu cầu cụ thể của họ.

Rafiq Dossani, giám đốc Trung tâm RAND về Chính sách châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết sự quan tâm của Ấn Ðộ đối với khu vực là một phần trong "cam kết ý thức hệ đối với Nam bán cầu và giúp hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc của chính Ấn Ðộ". Ông Dossani nói rằng New Delhi muốn được biết đến là "thủ lĩnh của Nam bán cầu". Theo ông này, sự quan tâm của Ấn Ðộ đối với các quốc đảo Thái Bình Dương bắt nguồn từ việc dân số thuộc sắc tộc Ấn Ðộ "thành công về mặt thương mại" trong khu vực. Ông Dossani cho biết, sự tăng trưởng kinh tế gần đây của Ấn Ðộ đã cho phép nước này chuyển nhiều nguồn lực hơn tới các quốc đảo Thái Bình Dương để hỗ trợ sự phát triển của họ, nhờ đó New Delhi giành được thiện cảm mà các cường quốc khác trong khu vực như Mỹ hay Úc không có được.

Harsh V Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhà vua Luân Đôn (Anh), cho rằng các quốc đảo Thái Bình Dương đang nổi lên như một chiến trường mới trong “cuộc cạnh tranh địa chính trị” giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ chắc chắn muốn ở trong không gian đó để cung cấp giải pháp thay thế cho một số quốc gia không muốn bị lôi kéo vào cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” này.

Chia sẻ bài viết