17/12/2009 - 21:32

Trái phiếu chiến tranh

Hạ nghị sĩ Kendrick Meek và Thượng nghị sĩ Ben Nelson của đảng Dân chủ vừa lần lượt trình lên Quốc hội Mỹ dự thảo “Đạo luật Trái phiếu Chiến tranh năm 2009”, trong đó cho phép Bộ Tài chính phát hành “trái phiếu chiến tranh” như là nỗ lực “thúc đẩy sự chia sẻ hy sinh và gánh vác trách nhiệm tập thể” của công dân Mỹ trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Theo ông Meek, phát hành loại trái phiếu này là một biện pháp kinh tế hiệu quả, giúp giảm lệ thuộc vào các chủ nợ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản), đồng thời tạo cơ hội cho người dân thể hiện tinh thần yêu nước và bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho các binh sĩ đang thực thi “sứ mạng cao cả” tại hai chiến trường khốc liệt trên.

Theo lập luận của ông Meek và Nelson, phát hành “trái phiếu chiến tranh” là việc nên làm vì hiện nay nước Mỹ đang trong thời chiến. Trong Đệ nhất và Đệ nhị thế chiến, Washington cũng từng thực hiện kế sách này. Chẳng hạn, giai đoạn 1941-1945, chính quyền Franklin Roosevelt đã huy động được hơn 54 tỉ USD từ “trái phiếu tiết kiệm chiến tranh”.

Trong lịch sử chiến tranh, chính quyền Mỹ có 4 phương cách lựa chọn để trang trải chi phí là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, mượn tiền hoặc in thêm tiền. Thời Nội chiến (1861-1865), Tổng thống Abraham Lincoln đã quyết định đánh thuế thu nhập để có tiền trả lương cho binh sĩ và mua súng đạn. Còn trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Lyndon Johnson có lúc áp thuế phụ thu 10%.

Cho nên, ngoài việc phát hành “trái phiếu chiến tranh”, chính quyền Barack Obama còn có thể sử dụng công cụ thuế theo sáng kiến của một nhóm nghị sĩ Dân chủ, do dân biểu David Obey làm “chủ xị”. Ông này đề nghị áp thuế phụ thu 1% cho những ai có thu nhập dưới 150.000 USD/năm, và dĩ nhiên mức thuế sẽ cao hơn đối với những người có thu nhập trên 150.000 USD.

Quả thật, Washington đang rất cần tiền. Ngoài khoản ngân sách 128 tỉ USD mà Quốc hội dành cho chiến trường Iraq và Afghanistan trong tài khóa bắt đầu từ tháng 10-2009, Nhà Trắng còn cần 30-35 tỉ USD cho việc bổ sung thêm 30.000 binh sĩ tới Afghanistan. Giải pháp “thuế phụ thu” có lẽ hay hơn “trái phiếu chiến tranh”, bởi một khi hỏi mượn tiền của dân thì cái núi nợ quốc gia khổng lồ 12.000 tỉ USD sẽ càng “phình to” (hôm 16-12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng mức trần nợ liên bang từ 12.100 tỉ USD lên 12.390 tỉ USD). Tuy nhiên, tăng thuế có thể khiến sức đầu tư của công chúng giảm và tác động đến sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế.

Mà cả hai cách trên chắc hẳn đều vấp phải sự phản đối của đa số dân chúng, những người đang hoài nghi về hai cuộc chiến này.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết