11/03/2008 - 10:14

Trại Bondsteel - Căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ

Trại Bondsteel của Mỹ tại Kosovo nhìn từ trên không. Ảnh: Kosovo.org 

Đại diện của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Dmitry Rogozin, mới đây bày tỏ sự lo ngại của Mát-xcơ-va về việc Lầu Năm Góc thiết lập một căn cứ quân sự khổng lồ tại Kosovo, tỉnh vừa đơn phương tuyên bố tách khỏi CH Serbia với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây. Với diện tích 4.000.000 mét vuông, Trại Bondsteel được xem là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay. Nói về qui mô của Trại Bondsteel, người ta thậm chí còn cho rằng đây là một trong hai công trình nhân tạo có thể nhìn thấy từ vũ trụ (công trình kia là Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc).

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey, căn cứ quân sự này có nhiệm vụ hỗ trợ sứ mạng gìn giữ hòa bình của NATO tại Kosovo. Ông Casey tuyên bố nó có thể được tháo dỡ một khi các lực lượng an ninh Mỹ và NATO rút đi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ sẽ không bao giờ rời khỏi khu vực chiến lược này. Tại Trại Bondsteel hiện có 55 máy bay quân sự cỡ lớn và gần 7.000 binh sĩ Mỹ đồn trú. Washington có ý định sử dụng cơ sở này để thay thế căn cứ không quân Aviano ở Italia.

Dù có diện tích nhỏ và chẳng hề có dầu khí nhưng Kosovo lại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của phương Tây. Bởi với việc thiết lập Trại Bondsteel, quân đội Mỹ dễ dàng kiểm soát một đường ống dẫn dầu khí xuyên Balkan sắp đi qua đây. Để chuẩn bị đón ngày Kosovo trở thành “quốc gia có chủ quyền”, Cơ quan Phát triển và Thương mại Mỹ từ năm 2000 bắt đầu tài trợ dự án nghiên cứu tính khả thi của đường ống dẫn dầu khí xuyên Balkan mang tên AMBO. Theo cơ quan này, khi đi vào hoạt động (dự kiến vào năm 2011), AMBO sẽ cung ứng cho thị trường Mỹ một lượng dầu khí trị giá 600 triệu USD/tháng. Đường ống trị giá 1,1 tỉ USD này sẽ trực tiếp lấy nguồn dầu khí dồi dào của Biển Caspie từ cảng Burgas của Bulgarie, sau đó đi qua Macedonia tới cảng Vlora của Albanie. Từ đây, dầu thô sẽ được chuyển đến Rotterdam (Hà Lan) và các nhà máy lọc dầu tại vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ với chi phí rẻ, thay vì phải đi qua eo biển Bosphorus, biển Aegean và Địa Trung Hải, vừa tốn kém lại dễ gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Beta, RBC, Atimes, Countercurrents, Wsws)

PHÚC NGUYÊN (Theo Beta, RBC, Atimes, Countercurrents, Wsws)

Chia sẻ bài viết