21/08/2011 - 09:33

Trả đũa?

Đầu tuần này, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã quyết định giữ nguyên định mức tín nhiệm đối với nợ của Mỹ là AAA cùng với triển vọng ổn định trong tương lai. Trước đó, Moody’s cũng duy trì “chỉ số vàng” AAA nhưng với triển vọng tiêu cực. Động thái của Fitch khiến Standard & Poor’s (S&P) trở nên đơn độc hơn bởi hồi thượng tuần tháng 8 họ đã dám “vỗ mặt”xứ cờ hoa khi lần đầu tiên trong lịch sử hạ định mức tín nhiệm của nền kinh tế số 1 hành tinh xuống AA+ cùng với triển vọng tiêu cực. Fitch, Moody’s và S&P là 3 hãng xếp hạng tín dụng uy tín nhất thế giới hiện nay.

Trong khi đó, tờ New York Times ngày 18-8 cho hay Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra những hoạt động của S&P liên quan đến chứng khoán cầm cố trong thời gian trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Người ta nghi ngờ lúc đó do áp lực từ bên ngoài nên S&P đã không đánh tụt hạng một số loại trái phiếu thế chấp, góp phần làm khủng hoảng trầm trọng thêm. Nếu sự thật là như thế thì đây sẽ là cú đấm mạnh vào uy tín của hãng xếp hạng tín dụng có lịch sử 70 năm với 10.000 nhân viên này, và có thể dẫn đến những kiện cáo của các nhà đầu tư đòi bồi thường.

Theo New York Times, cuộc điều tra được tiến hành từ đầu năm nay, khiến một số người suy đoán việc S&P hạ định mức tín nhiệm Mỹ là hành động trả đũa. Nhưng cũng có người cho rằng đó là hành động “sửa chữa sai lầm” vì quá dễ dãi trong quá khứ của S&P. Dân biểu Brad Sherman thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện thì suy nghĩ khác. Theo ông, các hãng xếp hạng tín dụng nhận tiền từ các nhà phát hành trái phiếu mà họ định mức tín nhiệm, trong khi chính phủ Mỹ không chi xu nào. “Chúng ta là sinh viên duy nhất không trả tiền cho thầy giáo nên chúng ta bị điểm kém”-Sherman ví von.

Thực hư thế nào chưa biết nhưng rõ ràng Washington không “tâm phục khẩu phục” với quyết định của S&P. Hiện Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đang điều tra phương thức tính toán của S&P mà họ cho rằng dựa trên số liệu không chính xác, trong đó có sai sót tới 2.000 tỉ USD nợ công. SEC cũng nghi ngờ việc các nhân viên của S&P làm rò rỉ thông tin trước khi hãng chính thức thông báo hạ bậc tín nhiệm hôm 5-8. Trong khi đó, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đang thu thập thông tin về việc S&P hạ bậc tín nhiệm, còn một số nghị sĩ thì yêu cầu tổ chức điều trần về động cơ của hãng này.

Không phải vô cớ khi có người cho rằng có thể chính phủ Mỹ cũng đang “ăn miếng trả miếng” với S&P.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết