02/01/2010 - 09:35

Tình trạng rối loạn thần kinh trong binh lính Mỹ

Áp lực gia tăng trong binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: AP

U uất, cảm giác tội lỗi, căng thẳng thần kinh sau chấn thương… là những vấn đề xuất hiện ngày càng phổ biến trong binh lính Mỹ, đặc biệt là ở những người phải chịu cảnh tham chiến nhiều lần từ hết chiến trường này sang chiến trường khác.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (DVA) vừa công bố cho thấy số binh sĩ trải qua nhiều đợt dàn quân mắc phải những vấn đề về tâm lý và thần kinh ngày càng nhiều và trầm trọng hơn những gì mà Lầu Năm Góc báo cáo. Cụ thể, những người bị trầm cảm, rối loạn thần kinh sau chấn thương (PTSD) nhiều gấp 3 lần so với những người chỉ ra quân 1 lần. Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ với 28.000 binh sĩ đã chỉ ra một thực tế đáng báo động là có đến 20% số lính Mỹ lạm dụng thuốc, hầu hết là các loại thuốc giảm đau và số người bị chứng PTSD đã tăng từ 9% năm 2005 lên 13% năm 2008.

Nhiều năm nay, các chuyên gia sức khỏe và tâm thần không ngừng lên tiếng cảnh báo những ảnh hưởng bất lợi đối với binh lính Mỹ tham chiến tại Afghanistan, cuộc chiến dai dẳng nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại của Mỹ. 38% lực lượng chiến đấu phải chịu cảnh triển khai 2 lần và 10% phải chịu từ 3 lần trở lên. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, giai đoạn 2003-2008 có 43.000 lính không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe được đưa vào phục vụ, một việc mà Văn phòng Cục Quân y Mỹ cảnh báo là có thể dẫn đến tác động bất lợi lên khả năng hoạt động của binh lính khi thực thi nhiệm vụ. “Khó khăn trong việc chống lại căng thẳng gia tăng với mỗi lần dàn quân, và bây giờ có những người lính đã tham chiến đến 5-6 lần và họ lại chuẩn bị quay lại chiến trường một lần nữa”- Tiến sĩ tâm thần học Judith Broder, người đang điều hành dự án phi lợi nhuận giúp đỡ các cựu chiến binh Mỹ cho biết.

Một khảo sát khác trong quân đội Mỹ cho thấy 53% binh sĩ báo cáo các vấn đề về tâm lý dưới hình thức giấu tên. Họ không muốn quân đội biết vì sợ tổn thương tinh thần các sĩ quan cũng như đồng đội. Hơn thế nữa, 90% binh sĩ nghiện rượu thừa nhận họ không nhận được sự điều trị nào trong suốt 12 tháng qua. Nghiên cứu của DVA còn cho biết quân đội chính quy không được trang bị tốt cho việc triển khai nhiều lần. Gần đây, do phản ứng của xã hội và quân đội sau các báo cáo của binh lính tại ngũ và vừa xuất ngũ về tình trạng tự sát trong quân đội, giới chỉ huy quân đội Mỹ bắt đầu thành lập các trại “phục hồi tinh thần” ở các nơi như Fort Hood, Texas. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng mới thành lập “đường dây nóng” để binh sĩ có thể tán gẫu trực tuyến nhằm giải tỏa áp lực và hạn chế tự tử. Ngoài ra, theo báo cáo của các viên chức quân đội, tất cả các bệnh nhân là cựu chiến binh đều đang được kiểm tra chứng PTSD và được theo dõi bởi các chuyên gia trong suốt 2 tuần chẩn đoán.

Sắp tới, có thêm khoảng 30.000 quân Mỹ được đưa đến Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều nghi vấn được đặt ra về khả năng Lầu Năm Góc có sẵn sàng bảo vệ thích đáng hoặc sẽ rút những binh sĩ có những vấn đề sức khỏe và tâm lý ra khỏi mặt trận này hay không, khi khả năng hoạt động trên chiến trường của họ bị hạn chế.

THUẬN HẢI (Theo CSMonitor)

Chia sẻ bài viết