26/05/2021 - 08:28

Tình báo Mỹ phát hiện nguồn gốc COVID-19? 

Tờ Wall Street Journal mới đây dẫn báo cáo của tình báo Mỹ cho biết, một tháng trước khi Trung Quốc công bố trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên hồi cuối năm 2019, 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã ngã bệnh và phải nhập viện điều trị.

Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: WSJ

Phát hiện trên làm dấy lên suy đoán mới về nguồn gốc và thời gian bùng phát của đại dịch COVID-19. Ðược biết, Trung Quốc báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng 12-2019. 

Song, giới chức và các nhà khoa học Trung Quốc một lần nữa bác bỏ báo cáo tình báo nói trên. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng báo cáo trên là “hoàn toàn không đúng sự thật”. Ông Triệu dẫn lại tuyên bố hôm 23-3 từ Viện Virus học Vũ Hán cho biết viện này đã không phơi nhiễm với COVID-19 trước ngày 30-12-2019 và không có nhân viên nào ở viện mắc COVID-19. Ông này nói rằng “ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy COVID-19 đã được phát hiện sớm ở nhiều nơi khắp thế giới vào nửa cuối năm 2019, và cộng đồng quốc tế cực kỳ quan ngại về những nghi ngờ xoay quanh phòng thí nghiệm sinh học ở căn cứ Fort Detrick (bang Maryland, Mỹ) và ý định thật sự của Mỹ khi lập hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học ở nước ngoài”.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mỹ liên tục thổi phồng các giả thuyết về phòng thí nghiệm bị rò rỉ, đồng thời đặt nghi vấn rằng liệu Washington quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc của COVID-19 hay chỉ là đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.

Viên Chí Minh, Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia, thuộc Viện Virus học Vũ Hán cũng lên tiếng bác bỏ báo cáo. “Tôi đã đọc báo cáo, đó hoàn toàn là một lời nói dối vô căn cứ. Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia thậm chí không biết họ lấy thông tin đó từ đâu” - ông Viên nhấn mạnh.

Trong khi đó, khi được hỏi về báo cáo tình báo nói trên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang ra sức hối thúc WHO “hỗ trợ đánh giá nguồn gốc đại dịch mà không bị can thiệp hoặc chính trị hóa”. Theo bà Psaki, hiện Washington không có đủ dữ liệu cũng như thông tin để xác định xem liệu COVID-19 có lây nhiễm từ động vật sang người hay từ phòng thí nghiệm hay không. “Chúng tôi cần dữ liệu và chúng tôi cần thông tin từ Chính phủ Trung Quốc” - bà Psaki nêu rõ. Tương tự, Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế của Nhà Trắng, cho hay ông “không bị thuyết phục” với giả thuyết cho rằng COVID-19 xuất hiện một cách tự nhiên và kêu gọi mở cuộc điều tra về vấn đề này.

WHO đã tiến hành cuộc điều tra về nguồn gốc virus Corona và hồi cuối tháng 3 đã công bố kết quả của một nghiên cứu chung với Trung Quốc, theo đó khẳng định việc COVID-19 có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là điều “cực kỳ khó xảy ra”. Mỹ và 13 quốc gia khác khi đó đã lên tiếng chỉ trích báo cáo, qua đó kêu gọi đưa ra “một quy trình kịp thời, minh bạch, dựa trên bằng chứng”. Hơn một chục chuyên gia từ Mỹ, Anh, Canada và Thụy Sĩ cũng bày tỏ quan ngại đối với những phát hiện của nghiên cứu trong bức thư đăng tải trên Tạp chí Science hồi đầu tháng này. Họ cho rằng kết luận về nguồn gốc của COVID-19 trong báo cáo của WHO là không thỏa đáng. Ðáp lại, WHO nói rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận chỉ có 196.427 ca mắc mới trong vòng 24 giờ tính tới sáng 25-5, mức thấp nhất theo ngày kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát hồi trung tuần tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, số ca tử vong mới cũng ở mức 3.511 người. Tới nay, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ là gần 27 triệu, trong đó hơn 307.000 ca tử vong.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết