Những ngày Tết, trên mâm cơm gia đình hay các bữa tiệc thường có rượu, bia kèm những món ăn ngon. Người thân, bè bạn mượn ly rượu nhỏ bày tỏ lòng thành chúc nhau một năm mới vạn điều như ý. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, rượu bia ngoài vai trò như chất xúc tác gia tăng không khí rộn ràng ngày xuân thì cũng tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nếu lạm dụng.
Bác sĩ khuyến cáo “rượu thuốc nhà làm” theo công thức truyền miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe (ảnh minh họa).
ThS.BS Lê Thị Cẩm Hồng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ, cho biết gần đây, các trường hợp cấp cứu do tai nạn, chấn thương, ngộ độc liên quan đến rượu, bia có dấu hiệu giảm. Trước đây, ê-kíp trực đêm của Khoa Cấp cứu thường bận rộn với những ca bệnh do chấn thương hoặc ẩu đả sau khi uống bia, rượu. Nhất là khoảng thời gian sau Tết, rất nhiều trường hợp viêm tụy cấp do uống nhiều rượu, bia, vào viện trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ phải hồi sức tích cực chống độc, thay huyết tương cứu bệnh nhân. Một số say quá mất kiểm soát, bị tai nạn, đa chấn thương, sốc mất máu đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong. Trường hợp khác diễn tiến hôn mê trong giấc ngủ sau cuộc nhậu, đến khi người thân phát hiện đưa vào viện thì đã trễ, suy đa cơ quan, ngộ độc, không thể cứu chữa hoặc cứu được cũng khó hồi phục sức khỏe hoàn toàn. BS Cẩm Hồng xót xa khi nhớ lại những trường hợp kể trên, đa phần đều còn trẻ, trong độ tuổi lao động. Vì cơn vui quá đà với bia rượu, đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, để lại mất mát cho gia đình, người thân.
BS Cẩm Hồng còn đề cập đến tác hại của rượu, bia đối với những người nghiện rượu. Họ uống liên tục, kéo dài, dần bị nghiện, lệ thuộc vào nhóm chất hướng thần này, ảnh hưởng đến sức khỏe, rút ngắn tuổi thọ và mắc nhiều bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu đột ngột dừng uống hoặc giảm lượng rượu đưa vào cơ thể, họ sẽ rơi vào trạng thái giống như loạn thần cấp. Những trường hợp này đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khi có vấn đề về sức khỏe, tình trạng bệnh thường trầm trọng, di chứng kéo dài và gia đình ít có điều kiện chi trả viện phí.
Nhiều người cho rằng, uống bia ít hại hơn so với uống rượu. Nhưng BS Cẩm Hồng khẳng định, lạm dụng bia hay rượu đều gây hại sức khỏe. Rượu là cách nói chung đối với các thức uống có cồn, bao gồm rượu, bia và các loại nước ngọt chứa ethanol. Chưa kể, 1 lon bia chứa năng lượng tương đương 1 lon nước ngọt, vì vậy, việc uống nhiều bia kết hợp ăn nhiều thức ăn trong bữa tiệc khiến cơ thể dư thừa lượng calorie cần thiết, lâu dần tích mỡ nội tạng, gây béo phì, dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ, suy tim, suy giảm hệ miễn dịch, chức năng sinh sản,… Một số nghiên cứu thực tế từ các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng ghi nhận tình trạng teo não ở bệnh nhân nghiện rượu.
Tác hại cấp tính khủng khiếp nhất của rượu đối với sức khỏe là khiến bệnh nhân hôn mê. BS Cẩm Hồng lý giải, do người nghiện rượu ăn uống thất thường, hệ tiêu hóa bị rối loạn, hấp thu dinh dưỡng kém nên khi say dễ bị hạ đường huyết dẫn tới hôn mê, nếu không được phát hiện kịp sẽ tổn thương não. Bên cạnh đó, một số trường hợp ngộ độc đối với rượu kém chất lượng, có chứa thành phần cồn công nghiệp methanol. Người nghiện rượu cũng thường mắc các bệnh mạn tính nên gia tăng nguy cơ xuất huyết não, nhồi máu não trong cơn say. Hoặc có trường hợp sau khi uống rượu, bệnh nhân nôn ói, rối loạn điện giải, hạ natri máu dẫn đến hôn mê. BS Cẩm Hồng cũng lưu ý người cao tuổi có thói quen uống rượu thuốc, tức rượu ngâm các loại thực vật, động vật được cho là có tác dụng chữa bệnh, tráng dương, bổ thận nhưng “rượu thuốc nhà làm” theo công thức truyền miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc hay tác dụng phụ đối với sức khỏe, từ khâu bảo quản, pha chế và lượng dùng.
Với nhiều tác hại nghiêm trọng kể trên, BS Cẩm Hồng khuyến cáo cộng đồng kiểm soát việc dung nạp bia, rượu để có những ngày Tết vui trọn vẹn. Khi tham gia bữa tiệc sử dụng bia, rượu, nên uống chậm rãi, từ từ, uống kết hợp với nước suối hoặc thức ăn để giảm lượng cồn đưa vào cơ thể. Lựa chọn bia, rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh dùng sản phẩm trôi nổi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Sau khi sử dụng rượu bia, tuyệt đối không điều khiển các phương tiện giao thông để hạn chế nguy cơ tai nạn. Ðặc biệt, phụ huynh không nên cho phép trẻ vị thành niên sử dụng rượu, bia, ảnh hưởng đến sức khỏe và nhận thức của trẻ liên quan đến “văn hóa” bia, rượu.
Bác sĩ cũng khuyến cáo một số dấu hiệu ở người bị ngộ độc rượu: da hơi xanh, hoặc tím, đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; hạ thân nhiệt; nói không rõ, nói ngọng; nôn ói; thở chậm, thở không đều; tiểu tiện mất kiểm soát; đau bụng, chướng bụng; tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt… Ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong… Khi phát hiện hay nghi ngờ người bị ngộ độc rượu, cần hỗ trợ gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG