19/01/2025 - 08:20

Tội phạm có tổ chức Trung Quốc hoành hành tại Ðông Nam Á 

Bất chấp nỗ lực trấn áp từ các nước Ðông Nam Á, hoạt động của tội phạm có tổ chức Trung Quốc trong khu vực này đang phát triển mạnh bởi các thủ đoạn lừa đảo, buôn bán ma túy, buôn người và khai thác công nghệ.

Diễn viên Trung Quốc Vương Tinh (người ngồi bìa phải) nói chuyện với cảnh sát Thái Lan sau khi được giải cứu.

Hồi đầu tháng 1, thông tin giải cứu thành công nam diễn viên 22 tuổi Trung Quốc Vương Tinh (Wang Xing), người bị mất tích khi đến thành phố biên giới Mae Sot của Thái Lan, gây xôn xao dư luận. Theo cảnh sát Thái Lan, diễn viên này bị lừa đến Bangkok theo lời mời đóng phim từ một người dùng WeChat tự nhận là đại diện cho một công ty giải trí lớn của Thái Lan. Khi đến nơi, nam diễn viên bị bắt cóc và đưa đến Myanmar, sau đó bị cạo trọc đầu và ép phải gọi điện thoại lừa đảo. Tuy Vương may mắn trốn thoát, nhưng còn có hàng trăm nghìn người khác từ Trung Quốc, Malaysia và Singapore vẫn bị mắc kẹt trong các khu phức hợp rộng lớn của tội phạm lừa đảo, với rất ít hy vọng được giải cứu.

Một số xu hướng đáng chú ý

Thực tế, tội phạm lừa đảo có tổ chức đang phát triển mạnh ở Ðông Nam Á, với một số xu hướng đáng chú ý. Ðầu tiên là tính sinh lợi của tội phạm lừa đảo. So với buôn bán ma túy, lừa đảo có tổ chức mang lại lợi nhuận cao hơn. Theo báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), vào năm 2023, thiệt hại tài chính của các nạn nhân Ðông Á và Ðông Nam Á ước tính từ 18 tỉ USD đến 37 tỉ USD. Mức “thu nhập” đó cho phép các nhóm tội phạm có tổ chức Trung Quốc dụ dỗ nạn nhân và những người có khả năng phạm tội tham gia cùng chúng.

Thứ hai, sự phát triển của công nghệ hiện đại cho phép tội phạm mở rộng mạng lưới hoạt động. Ngoài việc lợi dụng các ứng dụng và diễn đàn trực tuyến, tội phạm mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng hoạt động trên khắp khu vực, đặc biệt là thông qua deepfake (công nghệ tổng hợp hình ảnh của con người sử dụng AI). UNODC đã ghi nhận mức tăng đột biến 600% trong các tài liệu tham khảo về tội phạm sử dụng deepfake trên các diễn đàn tội phạm mạng và cộng đồng Telegram trong nửa đầu năm 2024.

Tiền điện tử là một xu hướng mới nổi khác để tội phạm khai thác. Do hầu hết người dùng không quen với các khoản đầu tư tiền điện tử và có kiến ​​thức hạn chế về những rủi ro liên quan, nên dễ mất tiền vì các chương trình lừa đảo. Ðối với các nhóm tội phạm có tổ chức, tiền điện tử còn cung cấp một phương tiện thuận tiện để chúng dễ dàng chuyển tiền, che giấu nguồn gốc và rửa tiền xuyên biên giới.

Xu hướng đáng chú ý cuối cùng là việc mối liên hệ giữa tội phạm mạng và nạn buôn người. Vài năm qua, một hình thức gian lận có tổ chức phổ biến đã kết hợp hình thức lừa đảo viễn thông với việc bạo lực thể xác trong nạn buôn người. Trong đó, những kẻ lừa đảo xây dựng lòng tin với nạn nhân thông qua nhiều chương trình khác nhau, bao gồm nền tảng đầu tư giả mạo, sau đó sử dụng bạo lực để bóc lột lao động.

Thủ phủ tội phạm toàn cầu mới

Myanmar hiện là điểm nóng về ma túy, tội phạm mạng và các kế hoạch buôn người cho tội phạm có tổ chức Trung Quốc. Báo New York Times (Mỹ) mô tả Myanmar như là “thủ phủ tội phạm toàn cầu”, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sau khi cuộc đảo chính quân sự năm 2021 khiến Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kéo dài, nước này trở thành “trung tâm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới”. Theo Chỉ số tội phạm có tổ chức (Organized Crime Index - nơi cung cấp số liệu về tội phạm có tổ chức trên khắp thế giới),  chỉ số năm 2023 của Myanmar là 8,15, tệ nhất trong số 193 quốc gia được liệt kê.

Nhiều vụ lừa đảo và gian lận trên mạng ở Myanmar và khu vực Ðông Nam Á có liên quan đến công dân Trung Quốc. Theo các chuyên gia, tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài - kết hợp với thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19, suy thoái bất động sản và hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng - là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng các quảng cáo việc làm, tiếp thị và đầu tư lừa đảo. Trong quá khứ, các trại lừa đảo ở Myanmar vẫn tập trung ở khu vực Kokang, gần biên giới Trung Quốc. Song, các hoạt động thực thi pháp luật chung giữa Trung Quốc và các quốc gia Ðông Nam Á đã đẩy các nhóm lừa đảo mạng này trốn đến các khu vực sâu hơn của Myanmar, như Wan Hai, Tangyan và Myawaddy.

Theo giới chức Trung Quốc, các vụ lừa đảo ngày càng nhắm vào sinh viên và những người mới tốt nghiệp. Ðể đối phó việc chính phủ tăng cường trấn áp tội phạm lừa đảo và các đường dây lừa đảo viễn thông, tội phạm lừa đảo Trung Quốc đã mở rộng hoạt động sang Ðông Nam Á, đặc biệt là Myanmar. Những nhóm này thu hút người dân địa phương và công dân Trung Quốc vượt biên vào tham gia hoạt động phạm tội, với những đặc điểm phổ biến gồm: trẻ tuổi, thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp. Ðáng lo ngại là trước tình hình kinh tế suy thoái chung ở Trung Quốc, những người tìm việc trẻ tuổi có khả năng sẽ tiếp tục rơi vào bẫy của các băng nhóm lừa đảo có tổ chức.

NGUYỆT CÁT (Theo Internationalaffairs.org.au)

 

Chia sẻ bài viết