02/01/2025 - 22:42

Cảnh báo nguy cơ “chiến tranh mạng” Mỹ - Trung 

Trong khi Mỹ đổ lỗi cho tin tặc Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng, Bắc Kinh cũng tố Washington nhắm tới hạ tầng kỹ thuật số quan trọng của đại lục những năm gần đây, làm dấy lên quan ngại về cuộc chiến thông tin giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về vụ xâm nhập mạng tại Bộ Tài chính. Ảnh: AP

Ngày 30-12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết “tác nhân đe dọa dai dẳng nâng cao - APT” trụ sở tại Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống cơ quan này thông qua bên thứ 3 cung cấp dịch vụ an ninh mạng; từ đó truy cập vào máy trạm nhân viên, ghi đè và đánh cắp tài liệu bao gồm văn kiện chưa phân loại. Vụ tấn công đang được điều tra như “sự cố an ninh mạng lớn” dưới sự hỗ trợ của Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) cùng Cục Ðiều tra Liên bang (FBI). Theo chi tiết vừa công bố, tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của cơ quan chuyên quản lý các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Ðây là vụ mới nhất trong một loạt các đợt tấn công mạng xảy ra những tháng gần đây nhằm vào mục tiêu ở Mỹ và phương Tây. Ðơn cử như đầu tháng 12-2024, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Anne Neuberger cảnh báo nhóm tin tặc Trung Quốc Salt Typhoon đã thu thập được thông tin liên lạc của giới quan chức Nhà Trắng cấp cao. Hồi tháng 10-2024, FBI và CISA cho biết chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều bị tin tặc liên hệ Trung Quốc nhắm tới. Trước đó, hoạt động của Salt Typhoon xâm nhập hệ thống an ninh của ít nhất 9 công ty viễn thông hàng đầu cũng được báo cáo, bao gồm 2 “gã khổng lồ” AT&T và Verizon. Giám đốc FBI Christopher Wray coi đây là “chiến dịch gián điệp mạng lớn nhất trong lịch sử” từ Trung Quốc. Ông nhấn mạnh chương trình tấn công mạng của Trung Quốc lớn hơn “mọi cường quốc khác cộng lại”.

Các vụ tấn công mạng nói trên do nhiều đơn vị khác nhau thực hiện và điểm chung là có liên hệ với nhà nước Trung Quốc. Hai cái tên được nhắc tới nhiều có Salt Typhoon và nhóm Volt Typhoon, vốn hay dính cáo buộc đột nhập cơ sở hạ tầng quan trọng để thực hiện các cuộc tấn công gây gián đoạn. Ðáng chú ý nữa là nhóm APT31 (hay còn gọi Zirconium hoặc Judgment Panda), chịu trách nhiệm thu thập tin tình báo thay cho Chính phủ Trung Quốc.

Theo Ðại học Maryland, các vụ tấn công mạng có thể đã được thực hiện trong nhiều năm khi Trung Quốc đặt ra tầm nhìn và chiến lược dài hạn về cách họ tiến hành hoạt động gián điệp và tình báo. Cùng với hàng triệu người Mỹ có thể đã bị xâm phạm dữ liệu, Bắc Kinh bắt đầu nhắm vào nhiều cá nhân quyền lực, điển hình như tin tức về tác nhân nước ngoài xâm nhập điện thoại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và những người làm việc cho chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Các tin tặc còn truy cập cơ sở dữ liệu có thể được sử dụng để phát hiện điệp viên nước ngoài nào đang bị giám sát.

Theo Mike Waltz, Cố vấn An ninh Quốc gia do Tổng thống đắc cử Trump chỉ định, Mỹ cần gia tăng trách nhiệm pháp lý đối với tin tặc nước ngoài. Về lâu dài, có ý kiến cho rằng để chống lại các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc, Washington nên khởi động liên minh đa phương chia sẻ thông tin tình báo về mối đe dọa mạng mới và rộng lớn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc nói gì?

Trong tuyên bố, Trung Quốc lên án mọi hình thức tấn công của tin tặc và phủ nhận cáo buộc “vô căn cứ, thiếu bằng chứng” từ Mỹ. Bắc Kinh còn yêu cầu Washington ngừng sử dụng an ninh mạng để “bôi nhọ và vu khống”; chấm dứt hành vi phát tán thông tin sai lệch về cái gọi là “mối đe dọa tấn công mạng từ Trung Quốc”. Trước đó, Trung Quốc nhiều lần tố Mỹ tấn công cơ sở hạ tầng mạng quan trọng của đại lục. Trong cáo buộc gần nhất, Ðội kỹ thuật ứng phó khẩn cấp mạng máy tính quốc gia/Trung tâm điều phối Trung Quốc (CNCERT/CC) ngày 18-12 cho biết Mỹ đã tiến hành hai cuộc tấn công mạng kể từ tháng 5-2023 để “đánh cắp bí mật thương mại” từ các công ty công nghệ trong nước.

Các cuộc tấn công mạng đang gia tăng trên toàn thế giới song song với sự phát triển của công nghệ số. Theo Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Ðức (SWP), số vụ tấn công mạng đã tăng từ 107 của năm 2014 lên 723 vào năm 2023. Trong bối cảnh này, giới chuyên môn cho biết Mỹ - Trung Quốc với “tiền sử” sử dụng phòng thủ mạng thúc đẩy mục tiêu an ninh quốc gia càng phải đi đầu trong việc xây dựng hiệp ước quy định sử dụng không gian mạng có trách nhiệm.

MAI QUYÊN (Theo BBC, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết