Cổ tục thờ Thần Táo có tự bao giờ? Việc tin thờ Thần Táo hẳn rất xa xưa nhưng có lẽ sớm nhất từ giai đoạn con người biết định cư, trồng lúa, làm rẫy, nghĩa là biết nấu nướng, làm chín thức ăn. Các loại phương tiện để kê nấu được con người xem là một sự hóa thân của Thần Bếp, thường gọi Ông Táo.
Hăm ba đưa ông Táo về trời. Ảnh: DUY KHÔI
Ông Táo cũng thường được gọi Táo Quân hay Táo Công, cũng có người gọi là Ông Công Ông Táo. Người xưa tin rằng Táo Quân là vị thần có hai nhiệm vụ chính. Một là, coi chừng việc bếp núc, củi lửa, không để xảy ra hỏa hoạn, với hàm nghĩa che chở cho nhân gian. Hai là, ghi chép mọi diễn biến suốt năm trong gia đình rồi mang sớ về trời báo cáo với thiên triều, qua đó, nhờ Trời hộ độ cho cuộc sống mọi người thêm tươi vui, bớt khổ cực.
Dân gian từ quan sát vật dụng kê nấu có 3 mỏm, cấu trúc theo thế chân vạc để đỡ nồi đựng thức ăn, nên nhân đó đặt ra sự tích khá ly kỳ được truyền nằm lòng qua nhiều thế hệ, nhằm giải thích rằng, ba cái mỏm chính là hóa thân của ba nhân vật cùng giữ vẹn nghĩa tình chồng vợ nên tự thiêu mình. Câu chuyện cảm động được Trời chứng giám nên ba nhân vật trong câu chuyện thành Thần, với nhiệm vụ chính là coi việc bếp núc, củi lửa ở thế gian và cứ đến ngày 23 tháng Chạp mang sớ về Trời báo cáo mọi việc.
Vì cai quản bếp nên bàn thờ Táo Công thường được đặt ngay tại bếp. Bếp thường đặt gần cửa sau của nhà, nên cũng có người đặt bàn thờ cạnh cửa ấy với ý nhờ Thần Bếp trông chừng cửa nẻo luôn. Lúc trời chạng vạng tối, chủ nhà đến thắp nhang ở bàn thờ Thần Bếp cũng là một dịp để kiểm tra lần cuối xem cửa nẻo đã đóng gài thật chặt hay chưa.
Tục lệ cúng kiến Táo Quân khá bài bản. Trước ngày 23 tháng Chạp, gia chủ đến hàng vàng mã mua hai cái mũ nam, một cái mũ nữ và ba con cá chép cho táo cưỡi với ý nghĩa cá chép sẽ vượt vũ môn hóa thành rồng bay về trời. Dịp này, để thay thế những vật dụng đang thờ đã hư cũ thì gia chủ đem đốt, đồng thời cũng thay luôn những bếp lò, cà ràn/ràng cũ đã sứt mẻ. Xưa người ta không hủy hoại bếp lò cũ mà gửi ở bụi tre hoặc một gốc cây nào đó sau vườn.
Ghe bán lò. Ảnh: DUY KHÔI
Dân gian cũng có liễn ca ngợi, dán ngay tại bàn thờ Táo Quân: “Công bình hữu đức năng tư hỏa / Chánh trực vô tư đạt khả thiên”. Nghĩa rằng: Công đức của Táo Quân đã cung cấp than lửa, đem đến cho mọi gia đình đều ấm áp, no đủ. Táo Quân phân phát công bình, không nhà nào hơn, không nhà nào kém. Táo Quân đối với nhà nghèo cũng như nhà giàu, than củi, lửa đun bếp, nhà nào mà không thổi chín cơm, nấu chín cá! Táo Quân chánh trực công minh, ghi chép những hành động của nhân gian, báo cáo lên thiên đình vẫn giữ vô tư, không thiên vị nhà nào. Táo Quân không vì chủ nhà cúng kiến nhiều lễ vật mà nói tốt, cũng không vì nhà ít lễ vật mà nói xấu.
Gia chủ thắp nhang, đứng trước linh tọa nghiêm cẩn nguyện cầu cùng “Đông trù tư mạng táo phủ thần quân” rằng: “Nay cuối mùa đông / Tứ quý theo vòng / Hăm ba tháng Chạp / Sửa lễ kính dâng / Hoa quả đèn hương / Xiêm hài áo mũ / Phỏng theo lệ cũ / Ngài là vị chú / Ngũ tự gia thần / Soi xét lòng trần / Táo Quân chứng giám / Trong năm sai phạm / Các tội lỡ lầm / Cúi xin tôn thần / Gia ân châm chước / Ban lộc ban phước / Phù hộ toàn gia / Trai gái trẻ già / An ninh khang thái”.
Hiện nay nhiều nơi còn giữ cổ lệ, đáo hạn làm gà cúng “Hăm ba tháng Chạp táo quân về Trời” thành kính. Sở dĩ cúng thống nhất ngày hăm ba, vì dân gian tin rằng đó là ngày “hội nghị thường kỳ” của thượng giới, cũng có ý để Táo Quân kịp trở về thế gian vui xuân đoàn tụ, ăn Tết với gia chủ vào ngày cúng rước ông bà. Cổ lệ này khác biệt với các quốc gia khác và gắn liền với lễ tảo mộ ở nước ta. Ông bà ta có lệ vào tháng Chạp, khoảng từ ngày rằm đến ngày hai mươi, thì con cháu thăm viếng, sửa sang, giẫy cỏ, làm sạch đẹp mồ mả ông bà. Mồ mả nào cho đến ngày hăm hai vẫn không thấy con cháu hoặc người thân đến thăm viếng, sửa sang thì những người thiện tâm gần đó hoặc chủ đất sẽ giẫy cỏ, sửa sang dùm, gọi “giẫy mả thí”, để Ông Táo kịp ghi vào sớ trước khi về trời mà không tâu nói việc “bất hiếu” này. Vì vậy chuyện chăm sóc mồ mả ông bà đối với người Việt là rất hệ trọng, không ai dám thờ ơ, nhất là trong những ngày gần Tết.
Cũng vậy, việc xây dựng một truyền thuyết về Ông Táo cho riêng mình, chứng tỏ tiền nhân ta đã có một ý niệm về quyền tự chủ dân tộc rất thâm thúy vậy.
Nguyễn Hữu Hiệp