Trái ngược hoàn toàn với cảnh mua sắm rầm rộ trong mùa hè, các đội bóng thường chi tiêu thận trọng ở “phiên chợ” mùa đông. Kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm nay cũng không ngoại lệ.
Ðến Manchester City với giá 33,6 triệu bảng, Khusanov sẽ trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Uzbekistan. Ảnh: L’Equipe
Trong 10 mùa bóng gần nhất, các CLB tại giải Ngoại hạng Anh (EPL) chỉ chi 2,6 tỉ bảng Anh trên thị trường chuyển nhượng mùa đông, chiếm chưa tới 16% tổng chi tiêu trong cùng giai đoạn. Với việc hơn một nửa số đội bóng EPL không mua cầu thủ trong tháng 1 năm ngoái, kỳ chuyển nhượng đó chỉ chiếm 4% tổng chi tiêu của giải đấu mùa 2023-2024.
Lý thuyết đằng sau hệ thống 2 kỳ chuyển nhượng là tạo sự ổn định và chắc chắn hơn trong hợp đồng. Ban tổ chức giải nhận thấy chỉ có kỳ chuyển nhượng mùa hè để mua sắm sẽ quá cứng nhắc và hạn chế đối với cả đội bóng lẫn cầu thủ.
Tuy nhiên, kể từ khi EPL giới thiệu hệ thống 2 kỳ chuyển nhượng ở mùa 2002-2003, chi tiêu trong tháng 1 chưa bao giờ cao hơn chi tiêu trong mùa hè trước đó. Đáng chú ý nhất chỉ có mùa 2010-2011 và 2022-2023 ghi nhận kỳ chuyển nhượng mùa đông chiếm tương ứng 38% và 33% tổng chi tiêu của cả mùa.
Các đội bóng lớn khác ở châu Âu cũng ngại mua sắm trong tháng 1. Real Madrid đã không bổ sung cầu thủ nào trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 kể từ trường hợp Brahim Diaz năm 2019. Barcelona thậm chí không “đi chợ” trong 4 kỳ chuyển nhượng mùa đông gần đây.
Nghiên cứu của hãng Deloitte phát hiện 5 giải đấu hàng đầu châu Âu chi tổng cộng 380 triệu bảng vào tháng 1-2024, chỉ vài tháng sau khi đầu tư hơn 4,7 tỉ bảng trên thị trường chuyển nhượng mùa hè. Chỉ có 2 trong số 20 thương vụ đình đám nhất mọi thời đại được ký kết vào tháng 1, khi Chelsea phá kỷ lục chuyển nhượng để đưa về Enzo Fernandez và Barcelona mua Coutinho.
“Một CLB chỉ tìm cách chiêu mộ cầu thủ nếu họ tin rằng tân binh đó có thể tác động theo cách giúp đội bóng cạnh tranh suất dự cúp châu Âu, giành quyền thăng hạng hoặc trụ hạng”, một người đại diện cầu thủ ở Anh chia sẻ. Vào tháng 1, bên bán biết chính xác lý do tại sao bên mua quan tâm đến cầu thủ của họ và phần thưởng tiềm năng là gì nếu đồng ý bán. Điều này thường đẩy phí chuyển nhượng tăng cao.
Về góc độ chuyên môn, rất khó để các tân binh mùa đông tạo tác động ngay lập tức. Nhu cầu phải khởi đầu thuận lợi, đặc biệt là đối với một cầu thủ mới gia nhập giải đấu, khiến các đội bóng dè dặt hơn khi đầu tư. Ngược lại, mùa hè có thể là giai đoạn kéo dài 6 tuần để cầu thủ làm quen với các đồng đội mới.
“Thị trường không dễ dàng”, HLV Manchester City Pep Guardiola nói về “phiên chợ” mùa đông tại cuộc họp báo tuần rồi. Vào năm 2017, cựu HLV Arsene Wenger từng kêu gọi hủy bỏ phiên chợ này trong mùa giải cuối cùng ông dẫn dắt Arsenal.
❝ Lần gần nhất Manchester City mua một cầu thủ lớn trong kỳ chuyển nhượng mùa đông là năm 2018, khi Aymeric Laporte gia nhập với giá 57 triệu bảng. Việc thống trị sau đó khiến Man City không cần theo đuổi những bản hợp đồng đáng chú ý. Tuy nhiên, trong tháng này, đương kim vô địch EPL buộc phải tăng cường lực lượng sau thành tích bết bát hồi nửa đầu mùa giải. HLV Guardiola sắp đón tân binh đầu tiên là trung vệ Abdukodir Khusanov của Lens, trong khi tiền đạo Omar Marmoush đã đồng ý về nguyên tắc chuyển đến sân Etihad từ Frankfurt.