19/01/2025 - 08:20

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ có gì mới? 

Ngày 20-1, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đánh dấu một trong những sự trở lại chính trị đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử hiện đại xứ cờ hoa.

Buổi diễn tập nghi lễ trước ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Ðồi Capitol. Ảnh: AP

Cứ 4 năm một lần, tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử Mỹ sẽ dự lễ nhậm chức vào lúc 12 giờ trưa ngày 20-1 theo giờ miền Ðông (tức khoảng 12h đêm theo giờ Việt Nam) trước Ðồi Capitol ở thủ đô Washington DC. Ngày nhậm chức, theo truyền thống, chủ yếu mang tính nghi lễ và thể hiện sự phô trương khi một tổng thống rời Nhà Trắng và một tổng thống khác chuyển đến.

Năm nay, lễ nhậm chức của ông Trump cùng “phó tướng” JD Vance do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chủ trì sẽ trùng với Ngày Martin Luther King Jr, ngày lễ quốc gia ấn định kể từ năm 1983 nhằm tôn vinh vị mục sư  ủng hộ các biện pháp bất bạo động để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Lần duy nhất 2 sự kiện liên bang diễn ra cùng ngày là lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1997.

Ông Trump muốn có “sân khấu toàn cầu”

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden cho biết ông sẽ dự buổi lễ và chứng kiến ​​quá trình chuyển giao quyền lực, sự kiện mà ông Trump phá vỡ tiền lệ không tham dự cách đây 4 năm. Gần đây, tỉ phú New York tiếp tục bỏ qua chính sách đối ngoại truyền thống khi gửi lời mời một số lãnh đạo nước ngoài đến chứng kiến thời khắc ông trở lại Nhà Trắng. Ðiều này sẽ đặt ra những thách thức an ninh lớn cho Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Lý giải động cơ phía sau, giới quan sát nhắc lại sự kiện mở cửa trở lại Nhà thờ Ðức Bà Paris mà ông Trump tham dự hồi tháng 12-2024 theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đây, ông Trump đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Trở về, nhóm cố vấn tiết lộ Tổng thống đắc cử Trump muốn lễ nhậm chức cũng được tiến hành trong sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo thế giới. “Ông ấy muốn một sân khấu toàn cầu” - một thành viên trong đội ngũ cố vấn nói với đài CNN.

Hiện những nhà lãnh đạo gần gũi với ông Trump về mặt chính trị và tư tưởng, chẳng hạn như Tổng thống Argentina Javier Milei và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều xác nhận sẽ có mặt. Trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang cân nhắc, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết sẽ cố gắng đến dự. Trong số những lời mời được gửi đi cũng bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ðộng thái này mang ý nghĩa quan trọng trong trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng được ông Trump bổ nhiệm Karolie Leavitt, đây là ví dụ về khả năng nhà lãnh đạo mới của Mỹ có thể đối thoại cởi mở không chỉ với đồng minh mà còn cả đối thủ cạnh tranh của Washington, qua đó phản ánh sự tự tin và tham vọng của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc khó có khả năng tham dự sự kiện này, thay vào đó Phó Chủ tịch Hàn Chính được cử làm đại diện thay thế.

Trong khi lãnh đạo một số nước dưới sự thúc đẩy của lợi ích riêng mong muốn dự lễ nhậm chức và trình bày các vấn đề của họ trước chính quyền mới ở Mỹ, những cá nhân giàu có và tập đoàn lớn xứ cờ hoa cũng đang xếp hàng quyên góp cho quỹ nhậm chức của Trump. Trừ lễ tuyên thệ tại Ðồi Capitol do người nộp thuế chi trả, Ủy ban nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump sẽ chi trả cho mọi hoạt động và nghi lễ diễn ra trong quá trình chuyển giao quyền lực. So với con số 62 triệu USD được huy động trong lễ nhậm chức năm 2021 của Tổng thống Biden, nhóm của ông Trump ở lễ nhậm chức năm 2017 đã vận động được số tiền kỷ lục 106,7 triệu USD. Theo tính toán của OpenSecrets, chi tiêu cho 2 ngày nhậm chức của ông Trump lúc đó đã tăng vọt lên mức chưa từng có với khoảng 37.000 USD/phút, cao gấp 4 lần mức chi cho lễ nhậm chức đầu tiên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ 8.600 USD/phút.

Hiện Ủy ban nhậm chức của ông Trump không trả lời các câu hỏi về kế hoạch gây quỹ và chi tiêu, nhưng có thông tin số tiền họ đã vận động được sắp vượt mốc 200 triệu USD. Trong đó, tập đoàn Amazon của tỉ phú Jeff Bezos và Meta Platforms do Mark Zuckerberg lãnh đạo lần lượt quyên góp 1 triệu USD. Danh sách này cũng bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook, CEO Sam Altman của OpenAI, lãnh đạo công ty đa quốc gia Uber và “gã khổng lồ” hàng không Boeing. Mong muốn làm ấm lại mối quan hệ lạnh nhạt với tỉ phú New York, các “đại gia” công nghệ khác như Google và Microsoft cũng tiết lộ những khoản quyên góp tương tự.

Các nhân viên đang dựng hàng rào an ninh từ Nhà Trắng đến Ðồi Capitol cho lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống  của ông Trump. Ảnh: AP

Lịch trình nhậm chức 4 ngày

Lễ nhậm chức lần thứ 2 của ông Trump được dự đoán rất khác so với lần gần nhất nước Mỹ chào đón tổng thống mới. “Lễ nhậm chức năm 2025 sẽ phản ánh sự trở lại mang tính lịch sử của Tổng thống đắc cử Trump và lá phiếu quyết định của người dân nhằm đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” - đồng chủ tịch ủy ban nhậm chức Steve Witkoff và Kelly Loeffler cho biết.

Theo nhóm chuyển giao quyền lực, lịch trình nhậm chức của ông Trump kéo dài 4 ngày (bắt đầu từ 18-1) bao gồm những bữa tiệc chính thức, các cuộc họp và sự kiện khác. Trong đó, buổi trình diễn pháo hoa và 3 buổi dạ hội xa hoa đều được tổ chức ở sân golf ở Virginia, thay vì tại Washington DC như truyền thống. Tổng thống đắc cử còn dự lễ đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington và tổ chức cuộc mít tinh phong cách vận động tranh cử ở thủ đô Washington DC. Trong ngày 20-1, kế hoạch của đảng Cộng hòa tiếp tục với tiệc trà tại Nhà Trắng, lễ tuyên thệ nhậm chức tại Ðồi Capitol, tiệc trưa của quốc hội.

Sau đó, ông Trump sẽ đi dọc Ðại lộ Pennsylvania trong đoàn xe hộ tống và diễu hành đến Nhà Trắng. Tại đây, ông sẽ dành buổi chiều để ký hơn 20 sắc lệnh hành pháp với nhiều quyết định có thể hủy bỏ các chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Theo giới chuyên môn, ông Trump dự kiến ​​ký lệnh trao quyền cho các viên chức quản lý di trú bắt giữ những người di cư không có tiền án, điều thêm quân đến biên giới Mỹ - Mexico và khởi động lại kế hoạch xây bức tường biên giới. Ngoài ra, chính quyền mới cũng thực hiện lời hứa tăng khai thác và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng; ban hành đợt ân xá đầu tiên cho các bị cáo bị kết án vì tham gia vào vụ bao vây Ðồi Capitol vào ngày 6-1-2021.

Chính vì lịch trình kéo dài và có sự tham gia của nhiều khách mời quốc tế, các cơ quan an ninh Mỹ đã thông báo kế hoạch triển khai 25.000 nhân viên thực thi pháp luật và binh sĩ, trong đó có toàn bộ lực lượng cảnh sát ở Washington, 7.800 thành viên Vệ binh Quốc gia và khoảng 4.000 sĩ quan từ các vùng khác của Mỹ, tại thủ đô để đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức. Ðể đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức, lực lượng an ninh phải dựng hàng rào cao tới 2m kéo dài gần 48km dọc các địa điểm quan trọng ở Washington.

Thách thức an ninh cho lễ nhậm chức của ông Trump rất nặng nề trong bối cảnh nước Mỹ vừa trải qua vụ tấn công khủng bố theo kiểu sói đơn độc tại thành phố New Orleans của bang Louisiana hồi đầu năm mới khiến 14 người thiệt mạng. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh Mỹ phải đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức của vị Tổng thống đắc cử đã 2 lần bị mưu sát trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt trong điều kiện dự kiến sẽ có hàng chục ngàn người biểu tình chống ông Trump.

20-1 là ngày lễ tuyên thệ nhậm chức thứ 60 trong lịch sử tổng thống Mỹ. Ông Trump là vị tổng thống đầu tiên đắc cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp trong kỷ nguyên hiện đại, chỉ sau ông Grover Cleveland trong thế kỷ 19 (nhiệm kỳ 1885-1889 và 1893-1897).

Theo Tu chính án 20 của Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1933, lễ nhậm chức tổng thống Mỹ được ấn định diễn ra ngày 20-1, trừ khi ngày này rơi vào chủ nhật. Khi đó, tổng thống cũng sẽ tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ riêng tư vào ngày 20-1 và buổi lễ công chúng sẽ được tổ chức ngày 21-1. Trước khi có Tu chính án 20, nhiệm kỳ tổng thống Mỹ bắt đầu từ ngày 4-3.

Lễ nhậm chức của vị tổng thống Mỹ thứ 47 diễn ra trùng thời điểm xứ cờ hoa phải treo cờ rủ để  tưởng nhớ cố Tổng thống Jimmy Carter, người đã qua đời ở tuổi 100 vào ngày 29-12-2024 và được Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden chọn ngày quốc tang từ 9-1 với cờ rủ phải được treo trong 30 ngày (kể từ ngày ông Carter qua đời). Tỉ phú Mỹ tỏ vẻ không hài lòng về quyết định của ông Biden nhưng khu dinh thự cá nhân Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vẫn treo cờ rủ đến ngày 28-1 ở vị trí cao nhất.

MAI QUYÊN (CNBC, NDTV)

Chia sẻ bài viết