19/01/2025 - 17:32

Đa dạng, phong phú hình thức dạy và học 

Tại TP Cần Thơ, việc giáo dục học sinh không chỉ thực hiện trên lớp học, mà các trường còn tổ chức thực hành trải nghiệm kiến thức bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Từ đó góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất.

Một tiết mục văn nghệ trong vở diễn của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, do học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm biểu diễn. 

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, sách giáo khoa là công cụ, giáo viên đóng vai trò quyết định thành công của chương trình. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với mục tiêu của bài học cũng như đặc điểm, khả năng của học sinh. Trong quá trình đổi mới này, mỗi trường có những cách tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Ở cấp tiểu học, học sinh được sắm vai trong tiết học đạo đức, hoạt động trải nghiệm. Cấp trung học, hình thức đa dạng thông qua sân khấu hóa trên lớp học, qua các hoạt động hội thi, sinh hoạt chuyên đề, qua đó học sinh được cộng điểm thường xuyên; đồng thời giúp các em linh hoạt ứng dụng được kiến thức, sự hiểu biết và sáng tạo của mình vào từng hoạt động phù hợp, hiệu quả.

Hiệu quả từ hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học

Sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Châu Văn Liêm đã 3 lần tổ chức Hội thi Sân khấu hóa tác phẩm văn học. Hội thi năm nay có 34 tiết mục gồm ca, tiểu phẩm, kịch, hóa trang nhân vật, với sự tham gia của hơn 200 học sinh các khối lớp; nội dung các chủ đề là những tác phẩm văn học trong chương trình học. 

Từ tác phẩm “Bếp lửa”, nhóm học sinh lớp 10A6, Trường THPT Châu Văn Liêm, xây dựng câu chuyện người bà trò chuyện với cháu để khắc họa sâu nội dung tác phẩm. Học sinh Trần Nguyễn Minh Ngọc cho biết bên cạnh tiếp thu bài giảng của thầy cô trên lớp, em tìm hiểu thêm sự ra đời của tác phẩm, bài phỏng vấn tác giả Bằng Việt. “Em đặt bản thân vào bối cảnh xã hội hồi đó; tìm hiểu thêm về văn hóa, sự kiện thời điểm đó để có thể viết kịch bản một cách hoàn chỉnh nhất”, Minh Ngọc chia sẻ.

Có thể nói, qua hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, học sinh có nhiều trải nghiệm thú vị, bổ ích. Ðiều quan trọng là học sinh hóa thân thành nhân vật, từ đó thấu hiểu tác phẩm một cách toàn diện cũng như tính cách đặc điểm của nhân vật để ứng dụng vào bài văn hay và sâu sắc hơn. Em Quách Gia Hân bộc bạch: “Khi tham gia sân khấu hóa tác phẩm văn học, em thêm yêu bộ môn Ngữ văn, lại có thể sáng tác kịch bản, tập dợt, biên đạo những bài múa phù hợp với nội dung. Em cũng có thêm kiến thức cơ bản để có thể viết được bài văn và lối hành văn phù hợp hơn”.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Hường, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Châu Văn Liêm, việc dạy học Ngữ văn không chỉ gói gọn trong phạm vi lớp học, giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh; mà các em có thể chủ động nắm kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau. Sân khấu hóa tác phẩm văn học là một trong nhiều hình thức, bên cạnh còn có học sinh vẽ tranh tác phẩm văn học hoặc vẽ truyện tranh tác phẩm văn học. Ðể tổ chức các hình thức học tập trên, Tổ bộ môn lập kế hoạch, giáo viên bộ môn, với sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, phát động đôn đốc các em. “Sau khi học sinh viết xong kịch bản, giáo viên giúp chỉnh sửa, góp ý phần diễn xuất, trang phục của học sinh... để tham gia hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học đạt hiệu quả và chất lượng”, cô Cẩm Hường nói thêm.

Theo Ban Giám hiệu Trường THPT Châu Văn Liêm, thông qua việc tìm hiểu các tác phẩm văn học, học sinh thêm hiểu và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, về địa phương của mình. Việc học sinh tham gia tổ chức các hoạt động giúp các em có thêm những kỹ năng như giao tiếp, phân công nhiệm vụ… từ đó hình thành các nhóm năng lực cơ bản theo mục tiêu của chương trình GDPT.

* * *

Việc đa dạng hình thức dạy và học được các trường học trên địa bàn thành phố triển khai đồng bộ. Ngoài việc tổ chức học tập trong trường, các đơn vị còn chú trọng đến hình thức dạy học ngoài trường, như trải nghiệm tại cơ sở sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, báo cáo dự án, thuyết trình sản phẩm học tập. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được các cơ sở giáo dục triển khai, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ðiển hình như mô hình “Việc tử tế” và mô hình “Phân loại rác thải nhựa” của Trường THPT An Khánh; “Cổng trường an toàn” của Trường THPT Giai Xuân; phong trào “Tiết kiệm làm theo lời Bác” của Trường THPT Hà Huy Giáp… Bên cạnh đó, còn có “Vườn sinh thái, thư viện xanh” của Trường THCS&THPT Trường Xuân; mô hình “Ðội an ninh mạng” của Trường THCS&THPT Thới Thạnh; mô hình “Trải nghiệm hoạt động nông nghiệp cho học sinh” của Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng... Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng, môi trường giáo dục tốt nhất không chỉ là nơi trao truyền kiến thức cho học sinh, mà còn là nơi giúp học sinh hình thành nhân sinh quan tốt đẹp, giúp học sinh chưa ngoan biết thay đổi, sống có ý nghĩa. Vì thế, Ban Giám hiệu, thầy cô nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm trồng trọt, tạo điểm nhấn cho nhà trường và giáo dục học sinh; phối hợp với cha mẹ học sinh thực hiện tốt hoạt động chăm lo cho học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp THPT; tổ chức nhiều sân chơi cho học sinh để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường học đường năng động, hạnh phúc…

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết