19/01/2025 - 08:20

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022: nhiều điểm mới về kiểu dáng công nghiệp 

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi, bổ sung năm 2022 của Việt Nam có nhiều quy định mới về kiểu dáng công nghiệp (KDCN). Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả cơ chế bảo hộ tài sản trí tuệ và thực hiện các cam kết theo các điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam tham gia thông qua các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA…). Dự án Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu do Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ chủ trì hỗ trợ cung cấp đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp một số điểm mới của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 liên quan đến KDCN.

Hoạt động tuyên truyền của Dự án về điểm mới Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022.

Ðịnh nghĩa lại khái niệm KDCN

Luật SHTT 2022 định nghĩa, KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Luật SHTT năm 2022 đưa thêm dấu hiệu pháp lý như bộ phận của sản phẩm, sản phẩm phức hợp và tính chất nhìn thấy được trong quá trình khai thác khi định nghĩa lại khái niệm KDCN.

Công bố đơn đăng ký KDCN

Ðơn đăng ký KDCN sẽ được công bố trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Ðơn đăng ký KDCN có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá 7 tháng để từ ngày nộp đơn.

Ðăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay

KDCN nộp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày Cục SHTT ra quyết định chấp nhận bảo hộ hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn 6 tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế KDCN đó.

Quyền đăng ký KDCN là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Luật SHTT năm 2022 quy định trừ trường hợp KDCN thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, tổ chức nào được giao cho chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ có quyền đăng ký KDCN đó một cách tự động và không phải bồi hoàn.

Trường hợp KDCN thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, quyền đăng ký KDCN đó thuộc về Nhà nước nếu KDCN được tạo ra có sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước. Nếu KDCN được đóng góp bởi chỉ một phần của ngân sách nhà nước thì tư cách nộp đơn đăng ký KDCN được xác định tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước cấp cho quá trình tạo ra KDCN đó.

Phản đối đơn đăng ký KDCN

Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, 4 tháng kể từ ngày đơn đăng ký KDCN được công bố, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ. Ý kiến phản đối của người thứ ba phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

3 căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền KDCN

KDCN được cấp có thể bị hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ bởi bất kỳ bên thứ ba nếu rơi vào 1 trong 3 trường hợp:

- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với KDCN.

- Ðơn đăng ký KDCN không đáp ứng các điều kiện bảo hộ như tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp; hoặc đối tượng yêu cầu bảo hộ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng.

- Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký KDCN làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

Nghĩa vụ trả thù lao cho người sáng chế

Luật SHTT năm 2022 quy định cụ thể hơn các trường hợp và cách thức chủ sở hữu KDCN có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả như sau:

- Trường hợp KDCN không phải là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu KDCN có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức trả thù lao cho tác giả quy định như sau:

+ 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng KDCN;

+ 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng KDCN.

- Trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu trả thù lao cho tác giả:

+ Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng KDCN;

+ Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng KDCN trước khi nộp thuế theo quy định.

- Trong trường hợp KDCN có đồng tác giả, mức thù lao nói trên là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả KDCN tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của KDCN.

Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Cần Thơ

 

Chia sẻ bài viết