Thị trường tiêu dùng hàng xa xỉ ở châu Âu và Mỹ đang sụt giảm nhanh, trong khi thị trường lớn nhiều năm qua là Trung Quốc cũng chững lại vì trào lưu thắt chặt chi tiêu. Hiện Ấn Ðộ đang trở thành tâm điểm của thị trường xa xỉ bởi sức mua tăng, thị hiếu tiêu dùng thay đổi.
Nhà thiết kế người Ấn Rahul Mishra và một trong những sản phẩm trong bộ sưu tập hợp tác với Tod’s.
Theo dự báo từ Statista, thị trường thời trang xa xỉ tại Ấn Độ đạt khoảng 2,7 tỉ USD vào năm 2025, dự kiến mức tăng trưởng bình quân là 3,2% trong giai đoạn 2025-2029, đạt giá trị thị trường là 3,12 tỉ USD vào năm 2029. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự báo thị trường xa xỉ của quốc gia này sẽ tăng trưởng từ 6,5-7% mỗi năm.
Những dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi tỷ lệ người giàu tại Ấn Độ ngày càng tăng. Theo hãng tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới Knight Frank’s, khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD vào năm 2027. Nhóm những người có tài sản ròng 30 triệu USD được dự báo tăng gần 60% trong 5 năm kể từ năm 2022. Họ là những người giàu thế hệ mới và có cách chi tiêu rất phóng khoáng. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, phân khúc khách hàng giàu có của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 129% vào năm 2030.
Theo đó, nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ, như Louis Vuitton, Aquazzura, Golden Goose, Chanel, Canali, Tod’s... đều mở nhiều cửa hàng và tập trung tổ chức các sự kiện thời trang lớn ở các đô thị lớn của Ấn Độ. Ông Edgardo Osorio, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Aquazzura, cho biết: “Thị trường xa xỉ tại Ấn Độ đang tăng trưởng rất nhanh. Mỗi ngày có thêm thương hiệu mới khai trương cửa hàng tại đây. Aquazzura đã có mặt tại Ấn Độ và chúng tôi có một lượng lớn khách hàng trên các kênh bán lẻ trực tuyến”.
Edgardo Osorio cũng chia sẻ thêm khách hàng chính của Aquazzura ở thị trường Ấn Độ là phụ nữ. Phụ nữ Ấn Độ rất xem trọng các dịp lễ lớn hay đám cưới. Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies, ngành công nghiệp cưới hỏi tại Ấn Độ hiện được định giá 130 tỉ USD, gần gấp đôi quy mô của thị trường Mỹ. Do đó, khi các thương hiệu xa xỉ bước chân vào Ấn Độ, họ dồn sức phát triển ở thị trường này. Dẫn chứng là đám cưới của Anant Ambani - con trai út của tỉ phú Mukesh Ambani (người giàu nhất Ấn Độ) - và Radhika Merchant, người thừa kế tập đoàn dược phẩm Encore Healthcare, vào năm 2024 có chi phí ước tính lên đến 600 triệu USD. Sự kiện sử dụng nhiều trang phục xa hoa của các thương hiệu Gianni Versace, Dior, Schiaparelli...
Ông Amit Goyal, Giám đốc điều hành Chanel tại Ấn Độ, chia sẻ: “Trước đây, phần lớn khách hàng Ấn Độ thường mua sắm ở nước ngoài, nhưng chúng tôi đã thay đổi thói quen đó bằng cách tập trung vào các cửa hàng địa phương”. Theo đó, các nhãn hàng thời trang đang sử dụng nguồn lực địa phương nhiều hơn trong các thiết kế, giới thiệu sản phẩm để lấy niềm tin của người tiêu dùng Ấn Độ. Ví như Tod’s đã hợp tác với nhà thiết kế người Ấn Rahul Mishra để tạo ra một bộ sưu tập độc quyền mang bản sắc Ấn, hay Dior công bố ngôi sao Bollywood Sonam Kapoor trở thành đại sứ toàn cầu của hãng. Các chuyên gia trong ngành cho biết nhiều thương hiệu xa xỉ khác cũng đang tìm kiếm các đại diện từ quốc gia này.
Bà Anjali Gaekwar, đồng sáng lập công ty tư vấn bán lẻ xa xỉ Lighthouse và cựu Giám đốc quốc gia của Christian Louboutin, cho rằng: “Khách hàng Ấn Độ rất tinh tế và xứng đáng được tôn trọng. Những thương hiệu hiểu được điều này đã thành công tại Ấn Độ. Đây cũng là lý do ngày càng có nhiều thương hiệu muốn đưa các ngôi sao Ấn Độ vào đội ngũ đại diện của mình”. Đồng quan điểm, bà Pushpa Bector, Giám đốc cấp cao kiêm lãnh đạo kinh doanh của DLF Retail, đơn vị vận hành các trung tâm mua sắm xa xỉ như Emporio và The Chanakya, nói: “Người tiêu dùng Ấn Độ không chỉ tìm kiếm sự xa xỉ mà họ mong muốn một sự kết hợp hài hòa giữa di sản, sáng tạo và ý nghĩa. Ấn Độ không chỉ nổi lên trên bản đồ xa xỉ toàn cầu mà còn đang đặt ra những tiêu chuẩn mới”.
BẢO LAM
(Tổng hợp từ Statista, Businessoffashion, The Times of India, Jing Daily)