26/02/2024 - 16:02

Tin tức thế giới ngày 26-2 

ADB lưu ý tác động từ kế hoạch thuế carbon của EU đối với các nước đang phát triển ở châu Á 

Việc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu có hàm lượng carbon cao có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á, song hiệu quả không đáng kể trong hỗ trợ giảm lượng phát thải khí nhà kính. Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra trong một báo cáo ngày 26-2.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU được thiết kế nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải trả mức phí phát thải carbon tương tự như các nhà cung cấp trong nước.

Theo ADB, dự kiến cơ chế CBAM sẽ cắt giảm xuất khẩu từ châu Á sang EU, đặc biệt là từ khu vực Tây và Tây Nam Á. Nhà kinh tế Neil Foster-McGregor từ ADB đánh giá CBAM là một chính sách tương đối hạn chế vào thời điểm hiện tại, do chỉ có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu vào EU của 6 lĩnh vực. Trong khi đó, quy mô sản xuất ngày càng tăng, bất chấp việc định giá carbon trên toàn cầu, cũng sẽ khiến lượng khí thải tăng. Giải pháp cho vấn đề này có thể là sự thay đổi cơ bản trong kỹ thuật sản xuất.

Theo ông Neil Foster, CBAM có thể giúp tăng doanh thu khoảng 14 tỉ euro (15,2 tỉ USD) vào năm 2030, sau đó số tiền này sẽ được dùng để cung cấp tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm khử carbon trong sản xuất.

Một trong những mục tiêu của CBAM là khuyến khích các nền kinh tế ngoài EU áp dụng các chính sách khí hậu chặt chẽ hơn, ví dụ như nếu các quốc gia xuất khẩu có thể chứng minh rằng giá carbon đã được trả thì thuế CBAM sẽ giảm.

Ảnh: KResearch

Hàn Quốc đứng đầu thế giới về sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Kết quả khảo sát của nền tảng trực tuyến chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu Statista (Đức) cho thấy trong năm 2023, có 41% số người Hàn Quốc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại hàng ngày.

Với việc đưa vào áp dụng thẻ Climate Card, ngày càng có nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn, đặc biệt là tàu điện ngầm với sự chính xác về thời gian đi lại. Được Chính quyền Thủ đô Seoul giới thiệu từ đầu năm nay, Climate Card cho phép người dân thoải mái sử dụng tàu điện ngầm, xe buýt và xe đạp công cộng (Ddareungi) tại Seoul trong 1 tháng với chi phí 65.000 won (khoảng 1,2 triệu đồng). 

Kể từ khi ra mắt vào ngày 27-1, đã có hơn 460.000 thẻ Climate Card được bán ra. Khi việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng lên nhờ Climate Card, người dân được hưởng lợi từ việc giảm chi phí khi di chuyển, trong khi góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Sau Hàn Quốc, Ba Lan đứng thứ hai về tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng (39%), tiếp đó là Áo (34%), Mexico (33%) và Tây Ban Nha (32%).

Một bảng quảng cáo thẻ Climate Card tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Nổ lớn gây hỏa hoạn tại nhà máy pháo hoa ở Ấn Độ

Ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong vụ nổ lớn tại một nhà máy sản xuất pháo hoa ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, ngày 25-2.

Cảnh sát cho biết vụ nổ xảy ra tại kho chứa hóa chất của một nhà máy sản xuất pháo hoa ở làng Maheva thuộc huyện Kaushambi, cách thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, khoảng 170 km về phía Nam. Trong số nạn nhân thiệt mạng có chủ sở hữu nhà máy này.

Vào thời điểm xảy ra vụ nổ, có khoảng 18 người đang làm việc trong nhà máy. Tiếng nổ lớn đến mức có thể nghe thấy từ cách đó vài km. Vụ nổ cũng gây ra hỏa hoạn ở nhà máy này.

Tai nạn cháy nổ thường xuyên xảy ra tại các nhà máy và cửa hàng bán pháo hoa của Ấn Độ do chủ sở hữu thường không chú ý tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Hiện trường sau vụ nổ tại nhà máy sản xuất pháo hoa. Ảnh: ANI/TTXVN

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết