16/01/2008 - 21:53

"Thuốc" chữa bệnh sẵn có trong bếp

Đối với những chứng bệnh thông thường, không cần phải ra hiệu thuốc hay tới bác sĩ, chúng ta vẫn có thể tự chữa bằng những thứ sẵn có trong nhà bếp mà không lo lắng tác dụng phụ như khi uống thuốc. Sau đây là một số bài thuốc từ nhà bếp do các chuyên gia Anh đúc kết.

Lở miệng

Bạn bị lở miệng, để giảm đau nhức, cách vài giờ hãy súc miệng bằng trà hoa cúc. Cách này có thể làm dịu cơn đau do hoa cúc có chứa thành phần kháng viêm.

 

Đau răng

Muốn nhanh chóng hết đau răng, bạn nên dùng tăm bông thoa tinh dầu hoa đinh hương trực tiếp lên chỗ bị đau trong vài phút (không nên để lâu, nướu có thể bị rát). Theo Tiến sĩ nha khoa Phil Stemmer ở Luân Đôn, đinh hương chứa chất giảm đau tự nhiên. Gần đây, các bác sĩ ở Đức dùng loại thảo mộc này để bào chế thuốc gây tê nhanh.

Để giữ răng không xỉn màu, hãy dùng kẹo cao su không đường sau khi uống trà hay cà phê. Nhai chewing gum có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, qua đó ngăn cà phê và trà bám vào răng.

Nhức đầu

Hãy uống một tách trà mỗi khi thấy có dấu hiệu nhức đầu. Chuyên gia dinh dưỡng Jane Clarke cho rằng nhức đầu là do mạch máu thay đổi, co hoặc giãn quá mức, và một ít chất caffein trong trà có thể điều chỉnh sự thay đổi này.

Đau lưng trên

Để giảm đau lưng trên, chuyên gia về xương Robin Shepherd khuyên nên đặt thanh cán bột trên sàn nhà và nằm lên sao cho thanh cán nằm giữa hai xương vai và chạy lên xuống khắp lưng, tạo thành hình chữ T với cột sống. Động tác này giúp vận động cột sống và nhờ vậy giúp giảm căng cơ, nguyên nhân gây đau lưng.

Đau thần kinh tọa

Nhức mỏi cơ do đau dây thần kinh tọa có thể thuyên giảm bằng cách đứng sát tường và đặt củ khoai tây lên vùng mông bị đau. Khi bị ép sát trong tư thế này, khoai tây có tính năng giống như điểm tựa để cơ bắp giãn ra, giúp giảm cơn đau chạy dài từ xương sống đến gót chân. Để đạt hiệu quả tốt nhất nên thực hiện động tác này nhiều lần trong ngày.

Cảm lạnh & cảm cúm

Khi bị nghẹt mũi, nhiễm trùng tai, hãy ăn những món cay nóng như cà-ri. Cách này có tác dụng làm loãng dịch nhầy trong mũi. Ngoài ra, tỏi cũng giúp làm tan chất nhầy, kháng virus, nấm và chống ôxy hóa, vì thế giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch cảm cúm và cảm lạnh.

Vết thương ngoài da

Do mật ong có đặc tính sát trùng nên sử dụng một ít thoa lên chỗ da bị đứt, xước hoặc phồng rộp. Mỗi ngày uống 2 muỗng cà phê mật ong cũng giúp cơ thể bị nhiễm khuẩn mau hồi phục. Người bị viêm khớp có thể pha một muỗng mật ong với rượu táo dùng trong bữa điểm tâm. Cả hai chứa thành phần chống viêm sưng tự nhiên sẽ giúp giảm đau.

Nặng mùi

Bạn thiếu tự tin vì mùi cơ thể của mình, hãy thử rắc một ít thuốc tiêu mặn (bicarbonate of soda) vào vùng nách hoặc dưới lòng bàn chân. Chất khử mùi tự nhiên này có tác dụng giảm lượng mồ hôi do cơ thể tiết ra.

Buồn nôn

Gừng có thể giúp ích trong trường hợp này. Một nghiên cứu do Hải quân Đan Mạch thực hiện cho thấy dùng 1 gam bột gừng trước khi ra khơi giúp giảm 40% các triệu chứng say sóng và giảm hơn 70% số lần nôn ói.

Loại gia vị này cũng có ích cho người ốm nghén. Phụ nữ mang thai giảm đáng kể triệu chứng buồn nôn vào buổi sáng khi dùng bánh quy hương gừng. Buồn nôn thường là do lượng đường trong máu xuống thấp trong khi gừng có tác dụng ổn định đường huyết.

Mụn cóc

Mỗi ngày, dành 15 phút ngâm mụn cóc trong nước giấm loãng. Axít trong giấm có tác dụng diệt vi khuẩn gây mụn cóc. Nếu không, mỗi tối trước khi ngủ, đắp vỏ chuối chín lên mụn cóc. Chất nhựa trong vỏ chuối cũng có khả năng kháng khuẩn.

M.H (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết