31/03/2020 - 18:58

Thủ tướng Hungary "toàn quyền" chống dịch 

Theo giới quan sát, việc Quốc hội Hungary cho phép chính phủ điều hành đất nước bằng sắc lệnh và không giới hạn thời gian được ví như “tấm séc trống” quyền lực đối với Thủ tướng Viktor Orban.

Thủ tướng Orban (đứng) tại cuộc họp quốc hội ngày 30-3. Ảnh: Getty Images

Quốc hội Hungary vừa tiến hành bỏ phiếu dự luật khẩn cấp với 137 phiếu thuận, 53 phiếu chống và 9 phiếu trắng. Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Orban được phép tự do ban hành bất kỳ sắc lệnh nào hoặc đình chỉ thi hành một số điều luật miễn là thấy phù hợp để chống đại dịch COVID-19 mà không cần sự chấp thuận từ quốc hội. Luật này cũng đưa ra mức phạt 5 năm tù đối với người đưa thông tin sai lệch, nội dung xuyên tạc về dịch bệnh.

Hiện Hungary có khoảng 500 ca dương tính COVID-19 với ít nhất 16 trường hợp tử vong. Chính phủ khẳng định việc được trao thêm quyền điều hành đất nước trong tình huống khẩn cấp là cần thiết để xử lý, giảm bớt tác hại và ngăn đại dịch tiếp tục bùng phát. Để trấn an phe đối lập, Thủ tướng Orban khẳng định luật mới không đe dọa nền dân chủ và cam kết chính phủ sẽ sử dụng các quyền khẩn cấp “một cách cân xứng và hợp lý”.

Giữa tình hình dịch bệnh hiện nay, chuyên gia nghiên cứu Đông Âu Lydia Gall thừa nhận Budapest có thể xem xét ưu tiên loại bỏ một số thủ tục nhất định nhưng bất kỳ biện pháp nào cũng cần tính đến thời gian, sự cân bằng giữa dân chủ và pháp quyền cũng như mức độ cấp thiết dựa trên góc độ sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, luật khẩn cấp không có thời gian áp dụng cụ thể khiến nhiều nhà phân tích tự hỏi liệu chính quyền Orban sau này sẽ dỡ bỏ nó, vốn trao cho thủ tướng quyền lực gần như tuyệt đối. Ví dụ điển hình là đảng Fidesz của Thủ tướng Orban với chủ trương chống người nhập cư đã liên tục gia hạn “tình trạng khẩn cấp” mà nước này duy trì kể từ cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, ngay cả khi số người xin tị nạn đến Hungary giảm mạnh trong những năm gần đây.

Có thể nói châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 với Ý và Tây Ban Nha là hai quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất thế giới (gần 12.000 và gần 8.000 người tính tới chiều 31-3). Hai nước này cũng chỉ xếp sau Mỹ về số người nhiễm SARS-CoV-2 với số bệnh nhân lần lượt là khoảng 102.000 và 88.000.

Theo BBC, dự luật vừa được thông qua từng được thảo luận trong nhiều tuần và vấp phải chỉ trích của phe đối lập cùng các nhóm nhân quyền trong nước. Hơn 100.000 người đã ký vào bản kiến ​​nghị phản đối do lo ngại nó sẽ giảm bớt mức độ kiểm soát đối với quyền lực của thủ tướng. Diễn biến này cũng khiến nhiều tổ chức quốc tế bao gồm Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cùng Liên Hiệp Quốc quan ngại.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2010, Thủ tướng Orban bị cáo buộc gây sức ép với tòa án, truyền thông và các nhóm phi chính phủ theo cách thức vi phạm quy định của Liên minh châu Âu (EU). 

Hồi năm 2018, Nghị viện châu Âu trong động thái chưa có tiền lệ đã kích hoạt thủ tục trừng phạt Hungary theo Điều 7 Hiệp ước thành lập EU với lý do nước này tạo ra “mối đe dọa có hệ thống” đối với các giá trị cốt lõi của khối. Mặc dù Budapest đang đối mặt các thủ tục tố tụng, nhưng vẫn chưa thay đổi cách tiếp cận. Và trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng Brussels có thể buộc phải "mắt nhắm mắt mở" khi mỗi nước thành viên vẫn đang căng mình xử lý cuộc khủng hoảng y tế giữa lúc đại dịch COVID-19 lan nhanh tại lục địa già.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post, Politico)

Chia sẻ bài viết