23/11/2017 - 09:16

Thủ tướng Lebanon hồi hương sau “chuyến đi bí ẩn” 

Tối 21-11, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã trở về nước sau gần 3 tuần ly hương, bắt đầu từ tuyên bố từ chức bất ngờ ở Saudi Arabia.

Thủ tướng Hariri bước xuống máy bay ở Beirut. Ảnh: AFP 

Thông báo từ văn phòng thủ tướng cho biết máy bay chở ông Hariri đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Thủ đô Beirut lúc gần nửa đêm. Và đúng như cam kết trước khi về nước, Thủ tướng Hariri đã tham dự lễ kỷ niệm mừng Ngày Quốc khánh lần thứ 47 của Lebanon (22-11). Ông Hariri lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại buổi lễ trọng đại của đất nước với sự hiện diện của Tổng thống Michel Aoun và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri.

Hồi đầu tháng này, ông Hariri thông báo từ chức từ Thủ đô Riyadh và ở lại đây 2 tuần trước khi thực hiện những chuyến công du chóng vánh đến Abu Dhabi, Paris và Cairo. Tuy nhiên, Tổng thống Michel Aoun chưa chấp nhận quyết định từ chức trên, mà muốn thủ tướng 47 tuổi đích thân trình đơn từ chức khi về Beirut. Theo hãng tin BBC, ngay khi về đến Beirut, ông Hariri chỉ trả lời “cảm ơn” khi được hỏi về thông điệp dành cho người dân Lebanon. Tuy nhiên, vị thủ tướng Hồi giáo theo dòng Sunni có nhiều điều phải giải thích, chẳng hạn như tại sao ông từ chức ở Saudi Arabia và thực sự sẽ giữ nguyên quyết định này.

Theo New York Times, ông Hariri có thể đã hành động dưới sự ép buộc của Saudi Arabia, một phần trong âm mưu cô lập phong trào Hezbollah vốn do Iran hậu thuẫn và có chân trong chính phủ liên hiệp ở Lebanon. Tuy nhiên, Thủ tướng Hariri phủ nhận đồn đoán cho rằng chính quyền Riyadh buộc ông từ chức, liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực với Iran trong khu vực. Gần đây, ông Hariri khẳng định sẽ rút lại quyết định từ chức nếu Hezbollah rút khỏi các cuộc xung đột trong khu vực, bao gồm Syria.

Việc lãnh đạo từ chức khi ở nước ngoài là điều chưa từng có ở Lebanon. Những nghi vấn vẫn còn đó về việc liệu tuyên bố từ chức vẫn có giá trị, tức buộc các bên ngồi vào bàn đàm phán để thành lập chính phủ mới, hay ông Hariri rút lại quyết định. Ở quốc gia vốn có sự chia rẽ giữa một bên thân Saudi Arabia và liên minh được Iran hậu thuẫn trong hơn một thập niên qua, thì tiến trình trên sẽ mất vài tháng tranh luận sôi nổi. Trong hệ thống chính quyền Lebanon thì thủ tướng phải là người Hồi giáo dòng Sunni, tổng thống là người Cơ đốc giáo và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite.

THANH BÌNH 

Chia sẻ bài viết